Tiếp tục tuyên truyền toàn dân tham gia bảo vệ môi trường
Quang cảnh buổi làm việc. |
Theo thống kê, hiện nay tổng lượng rác thải phát sinh ở huyện Sơn Động khoảng 23,11 tấn/ngày, gồm: Chất thải từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, khai thác khoáng sản và chất thải y tế... Tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nơi còn tràn lan, thiếu kiểm soát, phát sinh chất thải vô cơ có tính nguy hại cao như chai lọ chứa hóa chất, vỏ bình phun, túi đựng.
Ngoài ra, còn có phụ phẩm nông nghiệp và chất thải từ chăn nuôi khiến môi trường khu vực nông thôn ngày càng ô nhiễm. Chất thải của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản cơ bản được thu gom, phân loại, xử lý sau nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt. Rác thải y tế được phân loại riêng biệt và quản lý theo đúng quy định.
Trên địa bàn huyện xây dựng được 7 bãi rác tập trung tại một số xã, thị trấn, khu vực đông dân cư; duy trì một lò đốt rác công suất lớn tại Đèo Chinh. Trong giai đoạn 2015-2018, huyện Sơn Động được cấp hơn 19 tỷ đồng để chi trả lương, tiền công cho cán bộ làm công tác BVMT, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, hỗ trợ mua sắm thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác, xây dựng một số bãi rác, công trình cải thiện môi trường.
Các thành viên đoàn giám sát tập trung trao đổi về tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT ở các nhà máy, công ty, cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp chăn nuôi, khai thác khoáng sản, nếu không được chấn chỉnh, giải quyết kịp thời sẽ tiềm ẩn trở thành điểm nóng về môi trường. Việc triển khai thu phí BVMT theo quy định; nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về công tác BVMT...
Phát biểu tại đây, đồng chí Từ Minh Hải ghi nhận những kết quả trong công tác BVMT ở huyện Sơn Động thời gian qua. Để làm tốt hơn nữa hoạt động này, huyện Sơn Động cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT, từ đó nâng cao ý thức tự giác, tạo chuyển biến trong thực hiện. Đề cao vai trò của người đứng đầu ở các địa phương; xây dựng và nhân rộng những mô hình BVMT có hiệu quả cao.
Nghiêm túc thực hiện quy định về xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả đánh giá tác động môi trường ở những nơi có nguy cơ gây ô nhiễm cao; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác này. Phối hợp với các sở, ngành giám sát chặt chẽ những cơ sở, doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, không để nhân dân bức xúc kéo dài.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)