Tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật
Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, rất quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, quá trình tổ chức thực hiện đã thu được những kết quả cụ thể, nổi bật đáng ghi nhận.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại hội trường. |
Bên cạnh đó, một số hạn chế đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận và báo cáo Quốc hội. Qua nghiên cứu một số báo cáo khác có liên quan và từ quá trình tổ chức thực thi, Chính phủ cần quan tâm đánh giá rõ thêm một số hạn chế sau:
Công tác rà soát văn bản thời gian qua đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Bộ Tư pháp cũng có nhiều báo cáo, rà soát trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, kết quả chưa được các Bộ quan tâm triển khai. Nếu việc sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện sẽ tạo được sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp, khả thi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Công tác tổ chức thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả nguồn lực tài chính và nhân lực, trong đó có đội ngũ người làm công tác pháp chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Hà tán thành rất cao việc Chính phủ tiếp tục xác định, ưu tiên rà soát, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục xác định công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2022 và quan tâm thêm 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp sau:
Thứ nhất, chỉ đạo, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 43 của Thủ tướng Chính phủ. 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị 43 là cơ bản toàn diện. Vấn đề là các nhiệm vụ, giải pháp này được tổ chức thực thi như thế nào, có đồng bộ, có nghiêm túc, có hiệu quả hay không? Do đó đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đánh giá, kiểm điểm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị nêu trên theo từng năm. Đồng thời cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong công tác xây dựng, ban hành văn bản.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, xem xét việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật. Đến nay, hệ thống pháp luật cũng cơ bản đầy đủ. Mỗi khi có vướng mắc trong quá trình thực thi thì thường cho rằng là do thể chế, nhưng thực tế việc tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu. Và đây cũng là nhận định tại Kết luận số 83 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48. Có thể nói công tác xây dựng và thi hành pháp luật là hai nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tập trung chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, để tạo sự liên thông giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật thì vai trò của công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng trở nên quan trọng hơn. Song như trong Báo cáo số 422 của Chính phủ đã đánh giá, nhìn nhận, việc tổ chức thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa có hiệu quả.
Do đó để thể chế hóa Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 83 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48 và để có cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác thi hành pháp luật, thì việc xây dựng luật về tổ chức thi hành pháp luật là cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức thi hành pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ xác định rất rõ trong Quyết định số 242 về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022.
Thứ ba, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh là phải coi đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển. Do đó đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, có cơ chế thích hợp để bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư. Đổi mới cơ chế để phân bổ kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó có quan tâm đến tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế ở địa phương.
Theo Báo cáo số 360 của Chính phủ, tính đến ngày 1/4/2021 ở địa phương chỉ có 17,64% người làm pháp chế chuyên trách và có đến 82,36% cán bộ pháp chế kiêm nhiệm. Số cán bộ pháp chế được đào tạo có trình độ đại học Luật cũng có xu hướng giảm theo từng năm và số phòng pháp chế ở địa phương cũng có xu hướng giảm. Cùng với đó tổ chức và đội ngũ này hoạt động cũng chưa hiệu quả, ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Đại biểu Hà nhận thấy việc duy trì và phát huy vai trò hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thu hút đầu tư phân cấp ngày càng nhiều như hiện nay và nhất là trong thời gian tới.
Với quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xã hội thượng tôn pháp luật, việc có được hệ thống pháp luật minh bạch, dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ pháp luật thấp thì nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật từ trung ương đến địa phương cần đặc biệt được coi trọng.
Ý kiến bạn đọc (0)