Tiếp cận thông tin thuận lợi, giảm nghèo hiệu quả
BẮC GIANG - Thực hiện tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin (thuộc dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin) của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Hiệp Hòa đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để người dân được tiếp cận nguồn thông tin hữu ích, thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Đa dạng kênh thông tin đến người dân
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thiếu hụt thông tin là một trong những chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Bởi vậy, giảm nghèo về thông tin là một trong những tiểu dự án quan trọng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn này. Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) huyện, để người dân tiếp cận thông tin thuận lợi, việc phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động, tăng cường chuyển đổi số, đưa thông tin về cơ sở... có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đài truyền thanh xã Thường Thắng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đến người dân trên địa bàn. |
Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện Hiệp Hòa được phân bổ gần 200 triệu đồng thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin, tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; sản xuất các tác phẩm báo chí để cung cấp thông tin thiết yếu. Địa bàn rộng với 25 xã, thị trấn, chủ yếu là nông thôn nên hệ thống loa truyền thanh cơ sở vẫn có thế mạnh riêng, giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cung cấp thông tin hữu ích cho người nghe. Vì vậy, Phòng VHTT huyện tham mưu với UBND huyện bố trí kinh phí nâng cấp, chuyển đổi đài truyền thanh xã có ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP).
Đến nay, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh toàn huyện đạt 85,6%, tăng 4,5% so với năm 2023; tỷ lệ hộ dân sử dụng Internet cáp quang đạt 80,5%, tăng 1,7% so với năm 2023. |
Nhằm khắc phục tình trạng “lõm sóng”, năm 2024, huyện đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống truyền thanh IP tại hai xã: Danh Thắng, Thường Thắng; đến nay, toàn huyện có 5 đài với 50 cụm điểm loa IP. Truyền thanh IP giúp tiết kiệm chi phí trang bị máy phát sóng, cột ăng-ten, quỹ đất. Việc phát sóng chỉ bằng các thao tác vận hành đơn giản ở phần mềm được cài đặt trên máy vi tính, điện thoại di động. Thời gian tới, huyện tiếp tục bố trí ngân sách (từ nguồn chuyển đổi số) hỗ trợ các xã còn lại từ 350-400 triệu đồng/xã; mỗi xã đối ứng từ 200-300 triệu đồng để phát triển hệ thống truyền thanh thông minh, phấn đấu 80% xã, thị trấn có mô hình này vào năm 2025.
Nghe thông tin thời sự từ loa truyền thanh đã trở thành thói quen của nhiều người dân xã Thường Thắng. Bà Nguyễn Thị Soạn (SN 1950), thôn Đoàn Kết chia sẻ: “Mỗi ngày có 3 khung giờ vào sáng sớm, trưa, tối, tôi tranh thủ vừa dọn dẹp sân vườn vừa nghe thông tin trên loa truyền thanh. Nhờ vậy tôi biết thêm những kiến thức bổ ích”.
Thay đổi nhận thức, mở hướng thoát nghèo
Hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Theo số liệu rà soát năm 2023, huyện Hiệp Hòa còn 947 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,61%; cận nghèo còn 1.513 hộ, chiếm tỷ lệ 2,57%, vượt chỉ tiêu đề ra của năm. Trên địa bàn huyện không còn người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Mô hình trồng rau an toàn của thành viên HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh. |
Được tiếp cận các thông tin về chính sách, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, nhiều người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình bà Phạm Thị Phương, thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn, trước đây, cũng như nhiều hộ nghèo khác trong thôn, chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của xã, xem tivi, nghe đài, gia đình bà đã dần thay đổi nhận thức, tự lực xây dựng mô hình kinh tế để thoát nghèo.
Năm 2017, ngoài 1 con bò sinh sản được hỗ trợ, bà Phương mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 40 con lợn và 500 con gà thịt. Bà cho hay: “Năm 2022, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Có cuộc sống, thu nhập ổn định hơn, tôi có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm thêm đồ dùng phục vụ sinh hoạt”.
Còn tại xã Hợp Thịnh, những năm qua, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh cùng nhiều hộ dân nơi đây đã học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm thông qua mạng xã hội. “Từ khi thành lập đến nay, HTX đã sử dụng mạng xã hội như một kênh bán hàng chủ yếu. Nhờ vậy, người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. Nhiều kiến thức bổ ích về trồng trọt cũng được các thành viên tìm kiếm, chọn lọc và học hỏi trên môi trường mạng”, ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc HTX cho biết. Được biết, HTX hiện có 24 thành viên là người địa phương, chuyên trồng rau màu; bình quân mỗi hộ có 3 sào đất. Mỗi năm, số tiền lãi đạt khoảng 30 triệu đồng/sào/hộ. Đây là mức thu nhập ổn định đối với người dân vùng nông thôn, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai toàn diện công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin đến người dân và cán bộ làm công tác giảm nghèo. Trọng tâm là tuyên truyền về các dự án, mô hình giảm nghèo có hiệu quả; hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người nghèo chủ động hơn trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo bền vững. Huyện chỉ đạo các xã phát huy vai trò của 206 tổ công nghệ số cộng đồng trong hướng dẫn, hỗ trợ người dân dùng các ứng dụng thông minh trên điện thoại, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.
Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)