Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập - Thượng thư 4 bộ dưới triều Mạc
Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập ở làng Yên Ninh. |
Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập sinh năm 1527, là cháu gọi Tiến sĩ Nguyễn Lễ Kính là cụ nội. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” ghi:
“Nguyễn Lễ Kính người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay là xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, cố nội của Nguyễn Nghĩa Lập, 33 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1475)”.
Phát huy truyền thống hiếu học của gia tộc và quê hương, từ nhỏ Nguyễn Nghĩa Lập đã siêng năng đèn sách, dùi mài kinh sử nhưng mãi tới năm 27 tuổi, ông mới lều chõng lên đường ra Kinh đô Thăng Long dự thi. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép:
“Quý Sửu năm thứ 5 (1553), Vua dời hành tại đến xã Yên Trường. Họ Mạc mở khoa thi hội, lấy bọn Nguyễn Lượng Thái, Hoàng Tuân, Trần Vĩnh Tuy, đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Nghĩa Lập 5 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Công Tộc 12 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân…”.
Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập vinh quy bái tổ về làng, được dân làng chào đón long trọng. Quan tân khoa làm lễ bái yết tổ tiên và các bậc tiền bối trong truyền thống khoa bảng của gia tộc và làng Yên Ninh. Sau đó bái biệt gia đình và bà con trong họ ngoài làng lên đường trở lại triều đình lĩnh mệnh, đảm nhận chức phận được giao.
Khi làm quan trong triều Mạc, Nguyễn Nghĩa Lập luôn tỏ rõ lòng nhiệt thành phò vua giúp nước. Ông từng trải chức Thượng thư 4 bộ; được triều đình giao cho trọng trách tham gia phái đoàn đi sứ làm công việc bang giao. Về việc đi sứ bang giao của Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập được sử sách biên chép: “Tháng 12 ngày mồng 3 năm Mậu Dần (Mạc Sùng Khang năm thứ 13- 1578), họ Mạc sai bọn Lương Phùng Thời, Nguyễn Nhân An, Nguyễn Tuyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vịnh, Nguyễn Nghĩa Lập, Đỗ Uông, Vũ Cẩn, Nhữ Tông, Vũ Tĩnh sang nước Minh cống hàng năm” đến 3 năm sau phái bộ này mới trở về đến triều đình. Sách “Liệt truyện đăng khoa” cũng chép: “Nguyễn Nghĩa Lập, người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng thi đỗ năm 27 tuổi. Từng phụng mệnh đi sứ, làm quan đến chức Thượng thư, tước Dũng xuyên bá”.
Bài vị thờ Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập ở làng Yên Ninh. |
Với chức Thượng thư trải 4 bộ nên Nguyễn Nghĩa Lập được hưởng phẩm tước bá sau đó lại được phong hầu, Diễn sơn hầu - chức ở hàng đầu Tòng nhị phẩm. Theo quy định về bổng lộc thời Lê thì quan tòng nhị phẩm như Thượng thư Nguyễn Nghĩa Lập, mỗi tháng được hưởng 5 quan, 43 đồng. Theo lệ cấp ruộng cho các quan viên thì quan Thượng thư lại được vinh phong hầu tước như Nguyễn Nghĩa Lập: Ruộng thế nghiệp được 300 mẫu, đất thế nghiệp 30 mẫu, ruộng tứ 200 mẫu…Theo quy định miễn thuế ruộng tư cho các quan viên, chiểu theo thứ bậc được ban ruộng khác nhau thì quan Thượng thư phẩm trật hàng Tòng nhị phẩm như Nguyễn Nghĩa Lập được miễn thuế 50 mẫu.
Khi làm quan, Nguyễn Nghĩa Lập luôn tỏ rõ lòng thương dân sâu sắc, làm tốt sứ mệnh mà triều đình giao phó. Cuộc đời quan chức thanh liêm của quan Thượng thư Nguyễn Nghĩa Lập thật xứng với truyền thống của quê hương, xứng với các bậc tiên hiền trong làng Yên Ninh và gia tộc. Tên tuổi của ông từ xưa tới nay được bảng vàng, bia đá biên chép khắc ghi nhiều như sách lịch sử huyện, văn bia Văn Miếu Bắc Ninh, văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, tư liệu lưu trữ Viện Hán- Nôm, sách "Đại Việt sử ký toàn thư", sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”… Tại làng Yên Ninh, bài vị Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập được đặt trang trọng thờ trong hậu cung Đền Tiến sĩ.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)