Tiến sĩ Ngô Văn Cảnh- Bậc tôi hiền triều Lê
Ở độ tuổi tráng niên, Ngô Văn Cảnh đã được chứng kiến những cuộc vinh quy bái tổ của các bậc cha anh trong làng làm vẻ vang cho dân xã. Đó là lễ vinh quy bái tổ của Thân Nhân Trung, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469). Nguyễn Lễ Kính đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475). Qua đó thôi thúc Ngô Văn Cảnh càng quyết tâm học tập, dùi mài kinh sử.
Lễ dâng hương các nhà khoa bảng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội - nơi lưu giữ bia Tiến sĩ Ngô Văn Cảnh. |
Tháng Tư năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) triều vua Lê Thánh Tông, triều đình mở khoa thi Hội cho các cử nhân trong nước, lấy đỗ nhóm Phạm Đôn Lễ tất cả 40 người. Trong nhóm này làng Yên Ninh có hai người là Thân Nhân Vũ và Ngô Văn Cảnh. Ngày 27 tháng 4, vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về lý số cho Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Doãn Địch, ba người đỗ Tiến sĩ cập đệ. 8 người trong đó có Ngô Văn Cảnh đỗ Tiến sĩ xuất thân. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam chép: “Ngô Văn Cảnh, sinh năm 1443. Nguyên quán xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng nay là xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc. Trú quán xã Liên Hồ nay là Sen Hồ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên. 39 tuổi đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ”.
Làng Yên Ninh lại nhộn nhịp trống giong cờ mở đón vị tân khoa Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Ngô Văn Cảnh. Theo định lệ, Ngô Văn Cảnh được ban Tòng thất phẩm. Sau đó được bổ vào Hàn Lâm viện kiểm thảo. Ở đó ông tận tụy làm các công việc triều đình ủy thác như soạn các bài chế, biểu, thơ ca, văn thư... Bổng lộc cả năm 24 quan tiền.
Tới năm 1484, tháng 8, ông được triều đình cho khắc tên tuổi cùng các Tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất Đại Bảo (1442) đến niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) vào bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngô Văn Cảnh còn là một thành viên trong “Tao đàn nhị thập Bát Tú” của vua Lê Thánh Tông. Tới năm 1495 niên hiệu Hồng Đức thứ 25, tháng 11 vua cho làm sách “Ngự chế Quỳnh Uyển cửu ca” (chín khúc trong vườn Quỳnh). Vua sai nhóm Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đông các hiệu thư Ngô Hoán, Hàn lâm viện Thị độc Chưởng viên sự Nguyễn Xung Xác, Lưu Hưng Hiếu, Hàn lâm viện Thị Thư Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Vũ Dương, Ngô Thầm, Hàn lâm viện đãi chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Khiêm, Lưu Thư Ngạn, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên… Hàn lâm viện kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tôn, Đỗ Thuần Thứ, Đàm Thận Huy… cùng họa lại vần. Do có tài, đức và cần mẫn làm việc, về sau Ngô Văn Cảnh được bổ làm quan Hiến sát sứ. Ở chức này ông đã phụng sự nhà Lê đến cuối đời. Tên tuổi của ông đã được sử sách, bia đá ghi tạc, lưu danh mãi về sau.
Để ghi nhớ một danh nhân khoa bảng, tại TP Bắc Giang đã có đường mang tên Ngô Văn Cảnh thuộc phường Ngô Quyền và phường Hoàng Văn Thụ. Ngoài bia Văn Miếu Quốc Tử Giám, tên ông còn được khắc vào bia văn miếu Bắc Ninh “Kim bảng lưu phương” (tiếng thơm lưu mãi ở bảng vàng), trong bia chép: “Ngô Văn Cảnh, đệ nhị giáp Tiến sĩ, người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, làm quan đến chức Hiến sát sứ”.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)