Thường trực HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề về đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng
Qua đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền ngành chức năng các địa phương đã quan tâm chỉ đạo phát triển loại hình DLCĐ, đạt kết quả nhất định.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành và lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Việt Yên. |
Toàn tỉnh hiện có 13 điểm DLCĐ, 20 điểm du lịch vùng cây ăn quả với 250 hộ tham gia hoạt động; trong đó có 4 điểm DLCĐ hoạt động có hiệu quả, nổi bật là các bản: Ven, Xoan, Thượng Đồng, xã Xuân Lương (Yên Thế); bản Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động); bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn); làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên), mỗi năm các điểm này đón khoảng 70 nghìn lượt khách.
Tuy nhiên, kết quả phát triển DLCĐ chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Công tác quy hoạch điểm DLCĐ, kết cấu hạ tầng du lịch còn những hạn chế, bất cập. Kinh phí hỗ trợ, trong đó có nguồn từ ngân sách còn ít. Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa có nhiều dịch vụ làm gia tăng giá trị du lịch. Hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, đường giao thông, bãi đỗ xe tại các điểm DLCĐ còn thiếu, chất lượng chưa cao.
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 112, ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã xây dựng tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2030.
Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để huy động, hỗ trợ các nguồn lực đầu tư cho phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong dự thảo Nghị quyết có 6 nội dung hỗ trợ phát triển DLCĐ thu hút sự quan tâm của cử tri như: Hỗ trợ làm đường giao thông nội bộ trong khu vực điểm DLCĐ với điều kiện đường được đổ bê tông có chiều rộng từ 3 m, dày từ 15 cm trở lên, mức hỗ trợ 70% kinh phí, tối đa không quá 2 tỷ đồng/điểm.
Hỗ trợ xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực điểm DLCĐ với điều kiện bãi đỗ xe có diện tích từ 500 m2 trở lên; nền được đổ bê tông 10 cm trở lên, mức hỗ trợ 70% kinh phí, tối đa không quá 300 triệu đồng/bãi; hỗ trợ mua xe điện hoặc đóng tàu vận chuyển khách du lịch, mức hỗ trợ 70% kinh phí, tối đa không quá 700 triệu đồng/tàu; không quá 2 tàu/ điểm.
Tại các nơi tiếp xúc, cử tri cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo nghị quyết, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa.
Bà Lý Thị Hợi, Giám đốc HTX Thân Trường kiến nghị nội dung hỗ trợ phát triển DLCĐ. |
Bà Lý Thị Hợi, Giám đốc HTX Thân Trường (Yên Thế) đề nghị trong dự thảo nghị quyết nêu rõ hơn về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ tạo điều kiện cho các đơn vị khi thanh toán đối với 6 nội dung hỗ trợ phát triển DLCĐ; bổ sung hỗ trợ các hạng mục hệ thống xử lý nước sạch tập trung quy mô nhỏ, lò đốt rác, xử lý nước thải, nhà vệ sinh đối với các điểm có quy mô tập trung trên 2 ha, lưu lượng trên 1 nghìn khách/ngày/đêm.
Ngoài ra, có cơ chế vận dụng cho phép các công trình tạm, nhà khách có quy mô, kết cấu đơn giản, nhà sàn khung gỗ thời gian khai thác vận hành từ 10-15 năm trên các loại đất được xác định quy hoạch trong danh mục, đề án phát triển DLCĐ.
Cử tri xã Vân Hà (Việt Yên) kiến nghị nhà nước nghiên cứu, xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa, chính sách bảo tồn hệ thống nhà cổ để phát triển du lịch.
Ông Ngô Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu (Việt Yên) đề nghị có cơ chế hỗ trợ đối với công tác quảng bá, quan tâm bồi dưỡng các hộ làm DLCĐ kiến thức về du lịch và ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà phát biểu tại hội nghị. |
Một số ý kiến đề nghị có cơ chế thanh toán đặc thù đối với việc đầu tư làm nhà sàn, mua sắm trang phục, hoạt động đội văn nghệ; hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường truyền Internet, đào tạo, tập huấn đội ngũ hướng dẫn viên du lịch theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng đường giao thông; quy hoạch bãi đỗ xe; các điểm đón khách; các điểm vệ sinh công cộng; lắp đặt các biển chỉ dẫn du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, UBND các huyện đã phân tích, làm rõ những ý kiến của cử tri nêu theo chức năng, thẩm quyền. Các đại biểu cho rằng, đây là nghị quyết quan trọng, trong đó các HTX và người dân làm du lịch đóng vai trò chủ thể. Vì vậy, các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo động lực khuyến khích các đối tượng tham gia đầu tư phát triển du lịch.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của cử tri đối với dự thảo nghị quyết. Cùng với nội dung hỗ trợ trong dự thảo, đồng chí đề nghị thời gian tới, các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cấp trạm điện, mạng wifi, bảo vệ môi trường, cảnh quan, dịch vụ lưu trú, công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất những cơ chế phù hợp để thúc đẩy DLCĐ phát triển. Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, các cơ quan tham mưu tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết để trình HĐND xem xét thông qua thời gian tới.
Theo kế hoạch, ngày 28/2 và 1/3, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp xúc cử tri các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam xung quanh nội dung này.
Ý kiến bạn đọc (0)