Thương nhớ Nhã Nam
Thị trấn Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế xưa và nằm trên vùng Yên Thế hạ đã hình thành nên huyện Tân Yên bây giờ. Qua bao biến động lịch sử, mảnh đất này đã có thời thôi là thị trấn, rồi bây giờ lại là thị trấn Nhã Nam nhưng ở một quy mô lớn hơn về diện tích do đã được Quốc hội cho phép sáp nhập cả một đơn vị hành chính cấp xã cùng tên vào.
Một góc thị trấn Nhã Nam (Tân Yên). Ảnh: TRỊNH LAN |
Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, thị trấn Nhã Nam còn mang nét nguyên sơ của thị trấn cửa rừng, bởi cách đó chưa đầy 5 km là đồn Phồn Xương - bản doanh của Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám xưa. Ngày đó dân gian đồn rằng hổ trong rừng sâu còn về đến vùng ven thị trấn để rình bắt gia súc gia cầm, thậm chí vồ cả người. Tôi không được chứng kiến những chuyện hổ về nhưng ở chợ Nhã Nam người ta mang bán những con khỉ lông vàng xám, những con xấu hổ bé như nắm tay thì tôi được tận mắt, thậm chí còn bị con xấu hổ cắn vào tay khi tôi trêu chọc nó.
Tôi còn nhớ những phiên chợ Nhã Nam, hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng trong bộ đồ may theo kiểu ta màu tím hoa cà, đi trên một chiếc xe đạp kiểu dành cho thiếu nhi Liên Xô, với một con vịt được buộc chân treo ở ghi đông xe cùng một túi rau thơm. Qua chợ Nhã Nam, lần nào cụ cũng rẽ vào thăm và trò chuyện với cụ Đông Lâm, chủ cửa hàng da giày ở thị trấn Nhã Nam và chính là ông nội của tôi. Ông nội tôi hơn nhà văn Nguyên Hồng vài tuổi, nhưng khá thân thiết với nhà văn do hai cụ đã có thời cùng ở Hải Phòng với nhau.
Chén trà mời khách đặt ngay trên bàn làm việc của người thợ nghề da giày, ông nội tôi vừa chuyện trò với khách, vừa làm việc, trong khi thằng cháu nội là tôi ngồi ngay bên cạnh. Nghe hai cụ nói chuyện mà tôi chẳng nhớ được gì, chỉ nhớ chòm râu bạc của ông nội và chòm râu còn đen của cụ Nguyên Hồng khi đó thỉnh thoảng lại rung lên khi hai cụ cùng cười trong câu chuyện nào đó.
Từ thị trấn quê ngoại của tôi nối với các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh đều là những con đường đất đỏ nhỏ hẹp, bụi mù khi trời nắng và lầy lội như ruộng cày khi trời mưa. Năm 1965, sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ đưa máy bay ồ ạt ra ném bom, bắn phá miền Bắc, bắt đầu cho hơn 8 năm bom đạn liên tục đến khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết.
Năm này cũng là năm tôi vào học lớp vỡ lòng theo cách gọi hồi đó. Và thế là âm thanh của tiếng nổ bom đạn, của tiếng máy bay phản lực F105, F4H, AD6 gầm rít như xé vải, hình ảnh của những vệt khói tên lửa phòng không vẽ lên bầu trời những vệt ngoằn ngoèo, hình ảnh những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên phía sân bay Kép đã đi theo gần hết cuộc đời học sinh phổ thông của tôi.
Gò đất nơi chúng tôi sơ tán suốt thời chiến tranh đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ mang tên Trò Miếu. Trước khi trở thành một xóm nhỏ của những gia đình sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom, bãi đất này là nơi yên nghỉ của những người quá cố, nơi cư trú của các loài rắn cùng ếch nhái, cò lửa, chim cuốc...
Căn nhà của ông bà ngoại tôi cho chúng tôi đến ở suốt thời gian sơ tán là loại nhà tường cắm nhứng bằng tre nứa rồi trát đất bùn đã được nháo kỹ với rơm lên, chờ cho bùn trên tường khô thì quét cho một lớp vôi, vậy là hoàn chỉnh. Sát cửa sổ của ngôi nhà sơ tán là các ngôi mộ. Người sống ở cùng với người chết theo cái nghĩa đơn giản nhất, vì phải tránh cái chết do bom đạn của máy bay Mỹ ném xuống. Rất may là trường cấp 1 tôi học chỉ cách đó chừng nửa cây số, trên một gò đất sát đồi Mốc, có cái tên là Đồng Xó. Chỉ những cái tên được gọi lên thôi cũng đủ biểu tả một thời khó khăn, cơ hàn của làng quê tôi thuở ấy.
Những năm gần đây, nhất là sau khi Khu di tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân được Bộ Công an xây dựng hoàn thành, thị trấn quê tôi đã có những khởi sắc nhờ có con đường nhựa áp phan phẳng lỳ, rộng rãi dẫn đến khu di tích chính là con đường chạy dọc một con phố chính của thị trấn. Theo nội dung một dự án nâng cấp quốc lộ 17, con đường nối thị trấn Nhã Nam quê ngoại của tôi với TP Bắc Giang sẽ trở nên rộng rãi hơn trước, bảo đảm cho nhu cầu đi lại ngày càng cao của cuộc sống mà nền kinh tế đang được vận hành theo cơ chế thị trường.
Còn tôi, trước những đổi thay từng ngày của quê hương, nhất là khi huyện Tân Yên được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, tôi cứ tần ngần trong một mớ cảm xúc thật phức tạp. Vui thì chắc chắn rồi, vì cái thời xe đạp rách đi trên các con đường lầy lội như ruộng cày xưa đã lùi xa, những ngôi nhà lợp tranh, lợp rạ với tường cắm nhứng trát bùn chỉ còn trong ký ức của lớp người như tôi.
Ngày hôm qua của thế hệ chúng tôi thực tế đã diễn ra như vậy đấy. Sống trong cuộc sống đầy đủ, sung sướng của hôm nay, thiết nghĩ những người trẻ tuổi cũng nên biết về hôm qua, như hiểu về bộ rễ của một cái cây đời đã âm thầm cắm sâu vào lòng đất tạo thế đứng vững chắc cho cả thân cây, để từ đó trổ lá, vươn cành, đơm hoa kết trái, dâng quả ngọt cho đời.
Đoàn Huy Cảnh
Ý kiến bạn đọc (0)