Thực hành trách nhiệm
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang thăm mô hình sản xuất nông nghiệp cao trên địa bàn. |
Gặp Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang Phạm Văn Thịnh tôi nói thật với anh về những điều còn thấy lợn cợn đó. Thịnh năm nay 36 tuổi, đứng đầu Ủy ban huyện đã gần hai năm. Anh không phật ý mà còn có vẻ “khoái”. Khoái vì có người cảnh báo như thế là cần lắm. Theo như ý anh thì thế giới bây giờ người ta coi trọng y tế dự phòng, đặt y tế dự phòng lên trên việc khám, chữa bệnh. Ở Mỹ dịp cuối năm ông giám đốc dành phần thưởng lớn cho những công nhân không ốm đau, có số ngày công cao. Còn ở ta thì rất quan tâm việc thăm nom người ốm. Cũng tốt, nhân văn đấy, nhưng cũng nên chú ý hơn đến người…khỏe.
Chủ tịch Phạm Văn Thịnh (thứ hai từ trái sang) đối thoại, tiếp xúc với người dân xã Xuân Cẩm. |
Lại nói chuyện quan tâm đến “cán bộ khỏe”. Trẻ thì chắc chắn phải khỏe hơn già. Miệng nói chân bước. Thức suốt đêm chống lụt chẳng hề hấn gì. Đi khám sức khỏe định kỳ các chỉ số đều ngon lành. Nhưng mà lại dễ mắc các bệnh khác. Tạm gọi là bệnh do ô nhiễm môi trường – môi trường văn hóa lãnh đạo. Chủ tịch Thịnh lý giải: Bản thân anh cán bộ trẻ lúc đầu nhận chức thì cũng thấy mọi việc tự nhiên, đơn giản thôi. Trong một tập thể cứ hai người trở lên thì phải có một thủ lĩnh. Mình không làm thì người khác làm. Người phụ trách không hẳn là người cái gì cũng tài hơn người khác. Nhiều khi cấp dưới còn là thầy mình. Thế nhưng có anh làm lãnh đạo được một thời gian thì bắt đầu thay đổi, từ dáng đi đến cách bắt tay. Nói năng bắt đầu dài giọng, nhấn nhá. Chuyện ký tá trước đây có khi bỏ cả ngủ trưa để ký, về sau thì cứ từ từ. Có nguyên nhân từ môi trường đấy. Là vì chung quanh vị thủ trưởng trẻ nhiều vệ tinh cứ xoay tít. Họ không tiếc lời khen. Khen cái áo anh đẹp quá. Anh mệnh thủy, áo màu trắng, hợp lắm. Khen anh ăn nói đĩnh đạc, đúng tầm ngoại giao. Tiếng nói của anh là mang tiền về cho dân đấy chứ đâu. Khen anh kết luận hội nghị rút ra bốn hay năm điểm đều chắc như cua gạch. Công nhận, mọi người nói rối như canh hẹ, thế mà anh nghe thủng hết, chả sót ai. Anh “tóm lại” mấy câu, cả nhiệm kỳ làm không hết.
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh trong một buổi chủ trì giải quyết công việc. |
Rồi anh chuẩn bị ký duyệt. Chưa ký đã có đối tác tìm đến nhà, lúc khác lại rủ ra sân gôn chăm sóc. Rồi tặng quà sinh nhật chị nhà. Họ tặng khéo lắm. Của cho không bằng cách cho, cho nên từ chối đâu có dễ. Thành ra lâu dần việc ký duyệt không còn vô tư như thuở ban đầu. Cũng ký đấy nhưng là ký chậm, ký muộn. Thời giờ là vàng bạc, ai chả muốn được ký nhanh. Hóa ra “bệnh” sinh ra từ lúc nào, bắt đầu từ chữ ký.
Còn chuyện góp ý góp tứ trong cuộc họp, trong cuộc sống hằng ngày mới thật là thử thách đối với cái tai người lãnh đạo. Nhiều ông thủ trưởng khuyến khích góp ý phê bình. Nhưng khi được khen thì ông tỏ vẻ đăm chiêu, không để tâm lắm, khi bị chê thì ông chúi vào quyển sổ ghi ghi chép chép ra vẻ cầu thị, mặt cứ đỏ dần dần. Cuối buổi họp ông không quên cảm ơn những “ý kiến quý báu”. Nhưng rồi sau đó có một khoảng cách vô hình nào đó giữa ông và người góp ý thẳng thắn. Cái khoảng cách khiến cho người góp ý liên tục gặp những lận đận về sau.
Chủ tịch Phạm Văn Thịnh thăm tặng quà người cao tuổi trên địa bàn |
Điểm qua như thế đã thấy việc phòng bệnh khó khăn nhường nào. Người cán bộ là phải nhẫn, mà nhẫn cao nhất là tự thắng mình. Tự thắng mình về lý thuyết và quan trọng hơn là trong thực hành, trong công việc, trong ứng xử với cấp trên, đồng cấp, cấp dưới.
Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Thịnh thăm mô hình trồng nấm tiêu biểu trong huyện. |
Chủ tịch Thịnh vốn là dân chuyên toán từ thời còn học phổ thông. Vào đại học sôi kinh nấu sử ở Trường Kinh tế quốc dân. Tóm lại gốc là anh cán bộ khoa học tự nhiên, thích sự rõ ràng, sòng phẳng. Không thích cách nói “khéo”, mà thích nói thật. Đã làm thì làm cho hẳn hoi, tử tế, không đẩy việc cho người khác. Anh nói với chúng tôi: “Đánh giá một cán bộ có năng lực, thí dụ một Trưởng phòng ở huyện, chúng em thường chú ý mấy điểm. Xem anh này thực hiện nhiệm vụ được giao có sốt sắng, sáng tạo không, có mưu kế gì cụ thể. Lại xem đề xuất của dân anh ấy giải quyết thế nào, có rốt ráo, cụ thể không. Hãy bớt đi những lý thuyết dài dòng. Trưởng phòng là người luôn luôn nêu câu hỏi vì sao thế, làm thế nào, khó khăn gì, bao giờ xong?”. Thế chứ. Cán bộ giỏi là người biết định vị bản thân, biết mình, biết người. Theo ý của ông Các Mác thì đạo đức cao nhất đối với người cán bộ là làm được cái gì có ích cho tập thể. Cho nên, nếu nói gọn lại, đánh giá một cán bộ đức tài có mấy chữ thôi: Lương tâm và trách nhiệm. Trách nhiệm không làm hết thì lương tâm áy náy. Lương tâm gợn lên một cái gì đó không đàng hoàng thì đào đâu ra trách nhiệm.
Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Thịnh (thứ hai hàng đầu từ phải sang) động viên người hiến máu tình nguyện. |
Trách nhiệm của những người đứng đầu huyện là làm sao cho dân giàu lên, cho dân bớt nghèo và hết nghèo. Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa rồi có xác lập mâu thuẫn hiện nay là sự phát triển mạnh mẽ về vật chất và sự hưởng thụ không đều trong dân cư. Điều này chúng ta đã nói tới là sự công bằng. Không có công bằng tuyệt đối nhưng phải cố gắng cao nhất để người dân được hưởng thành quả lao động của mình. Mấy năm nay Hiệp Hòa đã ra khỏi thế kẹt của một ốc đảo. Từ khi có mấy cây cầu bắc qua sông Cầu thì huyện này đã gần hơn với Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Bắt tay qua sông với những bạn giàu thì mình có cơ giàu lên. Bây giờ huyện có Khu công nghiệp lớn đã lấp đầy, có tới sáu cụm công nghiệp đã và đang hình thành. Rồi đây Hiệp Hòa sẽ trở thành huyện công nghiệp, vùng trọng điểm kinh tế phía tây của tỉnh Bắc Giang. Trách nhiệm lớn nhất của lãnh đạo là sớm hiện thực hóa điều này.
Chủ tịch Phạm Văn Thịnh (thứ tư từ phải sang) thăm, đồng viên doanh nghiệp trên địa bàn |
Khi đi thăm khu vực trồng dưa vàng trong nhà lưới của hợp tác xã Đồng Tâm 3, tại xã Thường Thắng, ông chủ nhiệm Nguyễn Văn Nghiệp đã cắt nghĩa về sự giàu thời nay của nông dân: “Giàu là so với hôm qua, so nông dân với nhau. Thí dụ trồng dưa vàng thì giá trị kinh tế cao hơn sáu đến bảy lần trồng lúa. Nhưng so với cái anh công nghiệp, dịch vụ thì chưa nhằm nhò gì. Nhưng vẫn phải đi từng bước. Ngồi chờ thì biết bao giờ mới theo kịp người ta. Lo việc cho dân bây giờ là mối lo lớn nhất, thưa các vị”. Vâng, ông chủ nhiệm nói về trách nhiệm thật hay. Và ông đã thực- hành- trách- nhiệm. Dân đã có việc làm, có thu nhập cao ngay trên mảnh đất ông bà. Bây giờ là lúc phải tính tiếp, nếu lúc nào đó không trồng dưa vàng thì sẽ trồng gì, trồng hoa có được không? Đã có chuyên gia từ Đà Lạt bay ra rồi. Phải kết nối. Chần chừ, ngồi chờ là tụt lại phía sau.
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thi hành công vụ năm 2017 |
Hỏi chuyện cán bộ huyện, cán bộ tỉnh, ông chủ nhiệm cho hay, dân đánh giá cán bộ là trúng nhất. Chúng tôi không để ý mấy chuyện ông nào già ông nào trẻ. Cán bộ giàu là tốt, nhưng mà phải giàu chính đáng. Táo bạo nhưng chớ có làm liều, chớ nên “đơm đó ngọn tre”. Chắc chắn nhưng chớ có thủ cựu, thời cơ sẽ chẳng bao giờ đến. Nhưng nói thật là tôi vẫn thích đưa cán bộ trẻ vào công việc. Cán bộ trẻ nhưng phải có tài năng, đức độ, không dựa thần dựa thế ai. Thế giới bây giờ nguyên thủ quốc gia trẻ lắm, như Tổng thống Pháp, như Chủ tịch Triều Tiên… sắp tới là Thủ tướng Áo. Người ta nói rằng giai đoạn hiện nay thế hệ lãnh đạo trẻ đang đổ bộ toàn lục địa châu Âu. Ta cũng mong thế. Phát triển và đào thải. Cuộc sống tự nó sẽ sàng lọc.
Hải Đường
Ý kiến bạn đọc (0)