Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Việt Nam hiện có hơn 800 nghìn DN đang hoạt động, trong đó DNNVV chiếm khoảng 98%. Tại Bắc Giang, số lượng DN tăng nhanh, từ 3.000 DN năm 2015 đến năm 2020 đã có hơn 10.500 DN với nhiều loại hình. Những năm qua, DNNVV Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH.
Chế biến gỗ tại Công ty TNHH một thành viên TĐY Lộc Phát, thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên). Ảnh: Thế Đại |
DNNVV đã có mặt ở hầu hết các vùng miền, địa phương, tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của DNNVV vẫn còn gặp những khó khăn do tác động từ các yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là đại dịch Covid - 19.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của DNNVV, thời gian qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm phát triển DN, trong đó chủ yếu là các DNNVV. Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt, ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, DNNVV sẽ được hỗ trợ của Nhà nước trong tiếp cận tín dụng, chính sách thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, công nghệ; được hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, mở rộng thị trường; thông tin tư vấn pháp lý, phát triển nguồn nhân lực. Ngoài chính sách hỗ trợ cơ bản nêu trên, Nhà nước còn thực hiện chính sách hỗ trợ trọng tâm đối với DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp sáng tạo hoặc tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai thi hành luật trên toàn quốc, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế. Một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, bảo vệ môi trường, ưu đãi đầu tư... vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Hỗ trợ DNNVV, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của các DNNVV còn rất hạn chế do quy định, thủ tục xét chọn, tuyển chọn, thẩm định kinh phí, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn phức tạp. Nhiều thủ tục gây tâm lý e ngại cho các DN khi tham gia các chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước.
Luật Hỗ trợ DNNVV chưa tạo được nhiều tác động tích cực đến cộng đồng DN. Trong đó, ba lĩnh vực tác động lớn và trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh là chính sách cho thuê đất, tín dụng và thuế.
Về tiếp cận với đất đai, DNNVV còn khó khăn, các thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thường kéo dài, phức tạp. Theo điều khoản của Luật, DNNVV sẽ được bố trí quỹ đất cho thuê phát triển sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, với mức giá hỗ trợ cấp bù từ ngân sách hoặc miễn giảm tiền thuê có thời hạn. Tuy nhiên hiện nay, rất ít tỉnh bố trí được.
Trong khi đó, giá cho thuê đất sản xuất, kinh doanh còn cao. Những yếu tố này đã làm giảm khả năng cạnh tranh cũng như hạn chế khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh của nhiều DNNVV.
Việc tiếp cận tín dụng cũng chưa thực sự hiệu quả khi các gói sản phẩm tín dụng dành cho DNNVV chưa đa dạng, nhiều DN, đặc biệt là các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo còn gặp khó khăn trong tiếp cận các khoản vay ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV như khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN và biện pháp phù hợp khác chưa được triển khai hiệu quả.
Ngoài ra, nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, các địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ theo quy định, T.Ư cũng chưa chủ động được để tập trung vào triển khai một số chính sách trọng tâm; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV còn đang vướng mắc do pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa thống nhất.
Hơn nữa, nhiều DNNVV năng lực tài chính còn hạn chế, hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính còn thiếu minh bạch; phương án sản xuất, kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp, trong khi lại thiếu tài sản bảo đảm nên chưa tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng.
Để tạo điều kiện cho các DNNVV vượt qua khó khăn, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid 19, cộng đồng DNNVV mong muốn sẽ có thêm sự đồng hành bằng việc đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống. Đó là thay đổi tư duy, xác định rõ vai trò của DNNVV, trên cơ sở xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng với DN lớn; cải cách TTHC, đặc biệt là về đất đai, thuế, đăng ký giao dịch, xử lý tài sản đảm bảo...; tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các DNNVV có niềm tin, có động lực và sức bật để phát triển.
Tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội, đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tạo điều kiện cho các DN vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục miễn, giảm thuế và tiền thuê đất cho DNNVV chịu ảnh hưởng của dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp thuế và tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DN bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-9 .
Đối với DNNVV phải chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, quản trị điều hành để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng và các chính sách hỗ trợ khác của Luật. Các DNNVV tích cực tham gia các hiệp hội DN để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Chính phủ, Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.
Nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, với sự chung tay của toàn xã hội và các quyết sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời của Chính phủ sẽ giúp DNNVV vượt qua để duy trì phát triển.
Phùng Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Ý kiến bạn đọc (0)