Thu nhập cao từ na trái vụ
Năm 2005, anh Cường bén duyên với cây na dai. Trên một nửa diện tích này anh trồng khoảng 1 nghìn gốc na, sau 3 năm na cho thu hoạch. Năm 2016, anh tiếp tục trồng thêm 150 cây na Thái Lan. Nhận thấy vào chính vụ (tháng 7, 8 âm lịch) na thu hoạch rộ, giá bán không cao, anh đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa trái vụ để quả chín vào dịp giữa tháng 10 âm lịch.
Anh Trần Xuân Cường (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng na trái vụ. |
Thay vì một cây cho ra khoảng 40 quả/vụ/năm, anh đã chủ động thụ phấn nhân tạo, chọn lọc chỉ để mỗi cây từ 20-25 quả. Nhờ vậy, quả na to, đều, cây sinh trưởng tốt hơn. Chất lượng na nâng lên trong khi giá thành lại cao. Mấy năm trở lại đây, anh Cường là một trong những hộ đi đầu về trồng na trái vụ trên địa bàn xã.
Na chín đến đâu, tư thương về tận vườn thu mua đến đó. Hiện gia đình anh có gần 2 nghìn gốc, mỗi năm thu hoạch từ 6-7 tấn quả. Với giá đầu vụ từ 32 nghìn đồng/kg, giá bán buôn trung bình 25-30 nghìn đồng/kg; giá bán na Thái Lan 50 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Anh Cường cho biết: “Na tương đối dễ trồng, nhưng quá trình chăm sóc đòi hỏi kỹ lưỡng, có kỹ thuật nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân. Với loại bệnh này bắt buộc phải làm thủ công nên cần thường xuyên theo dõi. Với na Thái Lan phải bọc quả để hạn chế ruồi vàng”.
Ngoài na, anh Cường còn trồng xen 200 gốc bưởi đào đường, gần 100 cây vải thiều, mít, vú sữa. Tận dụng những khoảng đất trống và phía ngoài rìa, dưới tán cây, anh trồng thêm giềng để chống xói mòn đất và có thêm nguồn thu. Mỗi năm, vườn đồi mang lại cho gia đình anh hơn 300 triệu đồng.
Là thành viên tích cực của Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Tân Hưng, anh Cường luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên.
Anh Thân Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có hơn 20 hộ trồng na dai theo hình thức sản xuất hàng hóa, tổng diện tích gần 8 ha. Đây là cây trồng không mới ở xã, tuy nhiên bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật để cho quả trái vụ, thu hoạch 2 vụ/năm, đem lại nguồn thu đáng kể".
Tới đây, địa phương dự kiến xây dựng thương hiệu “Na Tân Hưng” để phát triển thành sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Bài, ảnh: Từ Hoài
Ý kiến bạn đọc (0)