Thêm sao cho sản phẩm OCOP
Khơi dậy phong trào khởi nghiệp
Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2018. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời nên chương trình thu hút ngày càng nhiều chủ thể tham gia. Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và PTNT - cơ quan thường trực chương trình đã sáng tạo trong tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP làm hai đợt để phù hợp với tính chất mùa vụ và tình hình mới. Nhờ cách làm đó, năm qua, toàn tỉnh có thêm 61 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (cao nhất từ trước đến nay, vượt 25 sản phẩm so với kế hoạch).
Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại TP Bắc Giang. |
Như vậy, đến nay, toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó 36 sản phẩm đạt 4 sao, 119 sản phẩm đạt 3 sao. Bắc Giang hiện đứng trong tốp đầu cả nước về số sản phẩm OCOP (đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước). Một số địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình này là: Tân Yên, Việt Yên và Yên Thế.
Theo đánh giá của ngành chức năng, chương trình OCOP đã tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng tại các địa phương. Cụ thể, đến nay đã có 85 chủ thể có sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, trong đó 88,2% là HTX, doanh nghiệp và 11,8% hộ gia đình. HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế là một ví dụ. Được thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến gia cầm, sản phẩm chính của đơn vị là gà sạch hút chân không và giò, chả, xúc xích gà...
Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX cho biết: “Được tập huấn, đi tham quan và tìm hiểu thị trường, tôi thấy tham gia chương trình OCOP là cần thiết để phát triển sản xuất và người tiêu dùng biết tới các sản phẩm của mình ngày càng nhiều hơn”. Từ nhận thức đó và được chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ, năm 2019, sản phẩm gà sạch hút chân không và giò gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2020, chả gà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và lên 4 sao năm 2021.
Chương trình OCOP đã tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp mà người dân làm chủ quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị nông sản”. Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT |
Nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đánh giá cao chương trình OCOP bởi qua đó đã góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm. Thực tế cho thấy các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP phát triển tốt và có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, phù hợp với yêu cầu thị trường. Không ít sản phẩm đã vào được các siêu thị, cửa hàng lớn, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng doanh thu. Hiện hơn 60% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm.
Nâng tầm sản phẩm
Hiệu quả chương trình những năm qua là không nhỏ, thế nhưng việc phát triển các sản phẩm OCOP còn một số hạn chế nhất định. 3 năm qua, số lượng sản phẩm đề nghị đánh giá, xếp hạng nhiều song tỷ lệ đạt 4 sao còn khiêm tốn (36/155 sản phẩm 4 sao). Số sản phẩm nâng hạng sao thấp, đặc biệt chưa có sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm chế biến sâu chưa nhiều, phần lớn là sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp, quy mô sản xuất nhỏ và trung bình, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, liên kết theo chuỗi.
Không chỉ vậy, bao bì, tem nhãn dù đã được quan tâm song chưa thật sự nổi bật, nội dung còn chưa đầy đủ, tem nhãn truy xuất chưa được cập nhật thông tin, thiết kế đơn giản, chưa quan tâm nhiều đến tính tiện ích trong sử dụng của sản phẩm. Bắc Giang cũng chưa có sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia trong khi cả nước có 85 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số địa phương và chủ thể chưa thực sự nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP, chưa thấy rõ trách nhiệm của đơn vị khi tham gia chương trình này. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tiêu thụ sản phẩm ít nhiều gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tái đầu tư của các chủ thể.
Khắc phục vấn đề này, năm 2022, ngành Nông nghiệp xác định tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; quản lý chặt chẽ và nâng hạng sao các sản phẩm đã đạt OCOP; gắn chương trình OCOP với phát triển ngành nghề nông thôn và du lịch nông thôn. Mục tiêu đề ra là có thêm 25 - 30 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, lũy kế tối thiểu có 180 sản phẩm; nâng hạng sao cho 5-10 sản phẩm; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; lựa chọn tối thiểu 1 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn để từng bước xây dựng sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng...
Trên cơ sở định hướng đó, các chủ thể đã chủ động tham gia chương trình và có kế hoạch nâng sao cho một số sản phẩm. Theo tổng hợp của ngành chức năng, đến nay đã có 76 sản phẩm mới đăng ký tham gia chương trình OCOP và 12 sản phẩm đăng ký nâng hạng sao gồm: Ổi Tân Yên (HTX Quyên Phong); vải thiều đóng hộp (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu); vải thiều, cam ngọt Lục Ngạn, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh Hồng Xuân (HTX Hồng Xuân); mỳ Chũ green (HTX Mỳ Trại Lâm - Lục Ngạn); giò gà (HTX Nông nghiệp xanh); gà đồi Yên Thế (Công ty Giang Sơn); giò lụa heo thảo dược, chả lụa heo thảo dược Bình Minh (HTX Bình Minh).
Sản phẩm giò gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế dự kiến nâng hạng sao trong năm nay. |
Cùng với các tổ chức, cá nhân trên, ngành chức năng đã xác định những giải pháp chủ yếu nhằm tăng hiệu quả chương trình này, trong đó chú trọng việc thêm sao cho các sản phẩm OCOP. Trao đổi với ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT được biết, Sở sẽ tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai chương trình OCOP tại các địa phương.
Đẩy mạnh hoạt động tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn mác, thương hiệu, hồ sơ sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên và các chủ thể sản xuất có sản phẩm mới tham gia chương trình năm 2022; chú trọng đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.
Rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch nông thôn; xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường...
Ý kiến bạn đọc (0)