Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10: Thay đổi nhận thức, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh
BẮC GIANG - Thấy được những hệ lụy từ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và giới tính.
Chuyển biến tích cực
Ngày 5/10/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4423/KH-UBND về tăng cường kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2030. Công tác truyền thông và nhiều hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch được cơ quan chuyên môn của tỉnh, các địa phương đẩy mạnh. Ghi nhận tại huyện Yên Dũng - địa phương có tỷ số chênh lệch giới tính (CLGT) cao hơn bình quân chung của tỉnh, từ năm 2022, Trung tâm Y tế huyện thành lập các tổ truyền thông theo nhóm nhỏ để tư vấn tại cộng đồng.
Cán bộ dân số Trạm Y tế xã Kiên Lao (Lục Ngạn) tuyên truyền, vận động người dân không lựa chọn giới tính khi sinh. |
Cùng đó yêu cầu các trạm y tế rà soát, nắm chắc số gia đình đã có hai con gái, trường hợp có nguy cơ sinh con thứ 3 để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ 3 và không lựa chọn giới tính thai nhi. Nhờ đó, tỷ số CLGT khi sinh trên địa bàn huyện giảm từ 129,9 bé trai/100 bé gái năm 2021 xuống 112,5 bé trai/100 bé gái (tại thời điểm tháng 8/2024).
Ông Đặng Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu dân số cho các xã, thị trấn, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Trung tâm giao cho Phòng Dân số - Truyền thông tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn vận động người dân trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi”.
Là xã miền núi với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trước đây, nhiều gia đình ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn) vẫn giữ quan niệm nhà đông con, nhiều cháu mới có phúc và phải có con trai nối dõi. Điều đó đã gây nhiều hệ lụy, tỷ số CLGT khi sinh của xã cao, thời điểm năm 2022 là 120 bé trai/100 bé gái. Để kiểm soát tỷ số này, UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, cử cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình tuyên truyền về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống, về mất cân bằng giới tính.
Cán bộ Trạm Y tế xã trực tiếp đến từng hộ, nhất là những gia đình đã sinh 2-3 con gái để tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái… Nhờ đó, nhận thức của người dân, bà con dân tộc thiểu số về kế hoạch hóa gia đình được nâng lên, tỷ số CLGT khi sinh dần về mức cân bằng, tự nhiên. Trong số 41 trẻ được sinh ra từ đầu năm đến nay có 18 bé trai và 23 bé gái. Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, toàn xã có 12 trường hợp sinh con thứ 3, giảm 13 trường hợp so với cả năm 2023.
Anh Lâm Văn Nhân, cán bộ Trạm Y tế xã Kiên Lao chia sẻ: “Từ chỗ dẫn đầu huyện về tỷ số CLGT khi sinh, đến nay Kiên Lao dần đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên và thấp hơn bình quân chung của huyện. Đẻ ít con, người dân có thêm điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và phát triển kinh tế”.
Đa dạng hình thức truyền thông
Theo Chi cục Dân số tỉnh, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, những năm gần đây, tỷ số CLGT khi sinh trên địa bàn tỉnh giảm dần. Ở thời điểm hiện tại là 115,4 bé trai/100 bé gái, giảm 1,1% so với năm 2021. Mặc dù vậy, tỷ số CLGT của Bắc Giang vẫn cao hơn bình quân chung cả nước (hiện cả nước là 113,2 bé trai/100 bé gái); số trường hợp sinh con thứ 3 vẫn chiếm gần 15,7% tổng số sinh hằng năm.
Theo Chi cục Dân số tỉnh, nhờ đẩy mạnh truyền thông, những năm gần đây, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giảm dần. Ở thời điểm hiện tại là 115,4 bé trai/100 bé gái, giảm 1,1% so với năm 2021. |
Nguyên nhân một phần do người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận dẫn đến khả năng lạm dụng những biện pháp y học hiện đại để can thiệp, lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác dân số.
“Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được cải thiện, khoảng 15-20 năm nữa, tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở tuổi trưởng thành tăng, nam giới khó kết hôn. Điều này làm tăng nguy cơ tệ nạn mại dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, bạo hành giới, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục…”, bà Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số lo ngại.
Để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ số CLGT khi sinh không vượt quá mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2025 và 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2030 theo kế hoạch số 4423/KH-UBND của UBND tỉnh, năm 2025 và những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người dân về công tác dân số. Trong đó tập trung vào đối tượng là nam giới, nhóm người có nguy cơ sinh lần ba trở lên và trẻ vị thành niên, thanh niên.
Để chủ động nắm bắt, tuyên truyền cho nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, các bệnh viện, trung tâm y tế phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền,vận động các phòng khám chuyên khoa sản trên địa bàn cam kết không lạm dụng kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm để phục vụ mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Với trách nhiệm của mình, Chi cục Dân số tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng, trong đó tập trung vào nam giới, nhóm người có nguy cơ sinh lần ba trở lên và trẻ vị thành niên, thanh niên.
Để hoạt động truyền thông phát huy hiệu quả, Chi cục ưu tiên tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị và mạng lưới nhân viên y tế - dân số thôn, bản, tổ dân phố. Cùng đó lồng ghép nội dung về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vào các cuộc thi tìm hiểu kiến thức tại các nhà trường, khu dân cư, từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.
Ý kiến bạn đọc (0)