Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tranh luận tại hội trường.Ảnh: Thu Hằng. |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nêu: Bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá; bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng đối với đấu giá viên; sửa đổi, bổ sung quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá; bổ sung quy định về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản về địa chỉ trụ sở, trưởng chi nhánh...
Qua đó, tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp đại học tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá mà Luật hiện hành chưa quy định như: quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá, lựa chọn Trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá bằng hình thức trực tuyến; chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá; bảo mật tài liệu, thông tin liên quan đến người tham gia đấu giá...
Tại đây, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến tranh luận tại hội trường về dự thảo luật này. Trong đó, các ý kiến nêu rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đề ra các giải pháp phát hiện bất thường trong đấu giá tài sản, việc nâng cao chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp đấu giá viên, hay bổ sung quy định bổ túc hồ sơ, tạo điều kiện cho người tham gia đấu giá có năng lực tài chính.
Trong phần phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tranh luận về chế tài, hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản. Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá. Đại biểu cho rằng, chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước.
Theo đại biểu, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đại biểu cũng lưu ý, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thời gian còn lại của buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)