Tây Yên Tử - điểm đến xuân này
Theo dấu chân Phật hoàng
Nhắc đến Đông Yên Tử (Quảng Ninh), du khách nhớ đến nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của ngài sau khi viên tịch. Còn Tây Yên Tử (Bắc Giang) được biết đến là con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng, trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng.
Nhằm từng bước khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch bền vững, Bắc Giang vận động nguồn kinh phí xã hội hóa đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Dự án có tổng diện tích 13,8 ha được chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: Trình, Hạ và Trung, Thượng. So với mặt nước biển, điểm thấp nhất cao 145 m và cao nhất tới gần 1.000 m kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử. Tổng kinh phí hơn 305 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
Tuần Văn hóa - Du lịch "Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử" thu hút đông đảo nhân dân tới tham quan. |
Dự án được triển khai theo ba giai đoạn. Từ năm 2014 đến năm 2018 triển khai xây dựng hai điểm chùa Hạ, chùa Thượng; nâng cấp tuyến giao thông từ đường tỉnh lộ 293 vào chùa Hạ, kè lát đá tuyến đi bộ từ chùa Hạ tới chùa Thượng; xây dựng tuyến cáp treo. Từ năm 2018 đến năm 2020, triển khai xây dựng hai điểm chùa Trình và chùa Trung. Từ năm 2021 đến năm 2025 hoàn thiện toàn bộ các hạng mục đầu tư về công trình, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời phục dựng các di tích, công trình tín ngưỡng tại khu vực này tạo thành quần thể hoàn chỉnh, thống nhất.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Vận hành Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử cho biết: "Dự án hoàn thành sẽ góp phần khai thác lợi thế của sườn Tây Yên Tử, đặc biệt là các công trình di tích lịch sử liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông… Những địa danh này cũng là điểm hình thành nên tour, tuyến hành hương của phật tử, người dân khi tìm về đất phật linh thiêng".
Điểm hẹn mùa xuân
Đến hẹn lại lên, năm 2019 là năm thứ hai lễ hội Tây Yên Tử được tổ chức. Sự kiện này đã được các sở, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Lễ khai hội Xuân và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2019 với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” được tổ chức từ ngày 14 đến 20-2 (tức mùng 10 đến 16 tháng Giêng).
Tại sự kiện này có 14 hoạt động chính tổ chức trong vòng 7 ngày tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang cùng nhiều hoạt động hưởng ứng khác của các địa phương trên toàn tỉnh. Đó là các chương trình: Khai mạc triển lãm trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử, trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; lễ khánh thành chùa Thượng, khánh thành giai đoạn 1 Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử…
Du khách dạo chơi tại Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử. |
Sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức quy mô cấp tỉnh thu hút đông đảo người dân, phật tử trong, ngoài tỉnh hành hương về thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) theo dấu chân của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Được biết, chỉ tính từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Giêng, lễ hội xuân Tây Yên Tử đã thu hút gần 3 vạn du khách đến tham quan, lễ Phật. Ngày chính hội, nhà ga cáp treo chật cứng người. Nhiều du khách phải chờ đợi xếp hàng mua vé. Mặc dù vậy do sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức nên tình trạng an ninh trật tự được bảo đảm.
Ông Trần Văn Thanh, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) cho biết: “Tôi đã từng tham dự lễ hội Tây Yên Tử năm 2018, năm nay trở lại thấy rất ấn tượng bởi sự đổi khác với cơ sở hạ tầng khu quảng trường trung tâm, chùa Hạ, chùa Thượng được xây dựng khang trang. Nhờ có tuyến cáp treo, quãng đường đến chùa Đồng, đỉnh Yên Tử cũng ngắn hơn rất nhiều”.
Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa – Du lịch năm nay như một lời giới thiệu đến với du khách, phật tử toàn quốc về sự kiện, mảnh đất Bắc Giang – nơi được lịch sử biết đến là con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Giờ đây lên chùa Đồng, đỉnh Yên Tử còn có một con đường khác theo sườn Tây Yên Tử – Bắc Giang. Những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư nhằm khôi phục, phát triển hệ thống chùa, tháp; kết nối các tour, tuyến du lịch tâm linh – sinh thái ở các địa phương. Sở tham mưu với UBND tỉnh phối hợp với Viện Trần Nhân Tông thực hiện công trình nghiên cứu khẳng định giá trị con đường bộ hành của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với mục đích phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)