Tập trung nâng năng suất, chất lượng vải thiều
BẮC GIANG - Toàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện có hơn 17,3 nghìn ha vải thiều, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 13,4 nghìn ha, chiếm hơn 77,1% tổng diện tích; sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP 30 ha và tiêu chuẩn hữu cơ 10 ha.
Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cây vải thiều được trồng tại địa phương từ những năm 50 của thế kỷ XX đến nay vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Hộ dân tại xã Tân Lập (Lục Ngạn) chăm sóc vải thiều. |
Tuy nhiên, vụ vải thiều năm 2024, sản lượng vải của huyện giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống người dân. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức đánh giá và nhận định, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.
Cụ thể, mùa đông năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiệt độ trung bình cao hơn so với những năm gần đây khoảng 1,5 độ C; các đợt rét đậm đến muộn, ngắn và không đúng thời điểm làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa, ra hoa của cây, đặc biệt là trà vải thiều chính vụ.
Ngoài ra, còn có yếu tố canh tác, thời vụ, do 3 năm liền (từ 2021 - 2023) vải thiều tại Lục Ngạn được mùa liên tiếp. Theo đó, với những vườn không được chăm sóc tốt, thời gian thu hoạch kéo dài, sau thu hoạch, việc tỉa cành, chăm sóc không đồng bộ, chưa đúng thời điểm dẫn đến cây bị suy kiệt, không ra đủ các đợt lộc, nhất là những vườn trồng lâu năm (từ 20-30 năm tuổi).
Trước thực trạng trên, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo đánh giá, đưa ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm để hướng dẫn người dân sản xuất vải thiều bảo đảm thời vụ, cho năng suất, chất lượng cao.
Ông Trần Văn Minh, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết: “Theo kế hoạch, từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9 tới, Trung tâm tổ chức 10 buổi tọa đàm tại cơ sở với sự tham gia của hơn 1 nghìn người gồm: Lãnh đạo, cán bộ chuyên môn, đại diện tổ chức đoàn thể các xã, thị trấn và hộ nông dân, hợp tác xã có kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả trên địa bàn huyện”.
Cũng theo ông Minh, một số giải pháp kỹ thuật được cơ quan chuyên môn khuyến cáo đối với người dân là: Cần thực hiện tỉa cành, tạo tán ngay sau khi thu hoạch, cắt tỉa đồng loạt các cây trong vườn, tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, dập gãy, cành trong tán, hạn chế cắt cành quá sâu.
Sau khi cắt tỉa cành nên bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các đối tượng sâu gây hại lộc. Sử dụng các dòng phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, phân chứa hàm lượng lân cao để bộ lộc nhanh thành thục, bộ lá dầy và khoẻ.
Về kỹ thuật khoanh cành, thời điểm khoanh được tính trước hoặc sau tiết đông chí (21 hoặc 22/12 Dương lịch) hằng năm 10 ngày. Tuy nhiên, thực tế sẽ tuỳ thuộc vào độ thành thục lộc của các cây (với vải u hồng từ 3 đến 4 lần lộc; với vải lai Thanh Hà và vải thiều từ 2-3 lần lộc), cây nào thành thục sớm sẽ khoanh sớm. Theo kinh nghiệm của các hộ sản xuất, nếu khoanh sớm thì vết khoanh rộng hơn, những năm nhuận sẽ khoanh sớm, khoanh sâu hơn (nên khoanh vào tiết lập đông hoặc khoanh trước tiết đông chí từ 15 đến 20 ngày)…
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)