Tập trung dập dịch tại KCN, ngăn lây nhiễm từ chuỗi sản xuất, cung ứng liên tỉnh
Đồng chí Lê Ánh Dương chỉ đạo tại hội nghị.
|
Nguy cơ lây lan nhanh
Từ ngày 26/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 2 ổ dịch tại xã Thượng Lan và Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên).
Ổ dịch tại xã Thượng Lan phát hiện 21 ca nhiễm. Ổ dịch liên quan đến nhiều cán bộ, học sinh, có thể đã qua 3 chu kỳ lây nhiễm. Ổ dịch đã xác định được nguồn lây và đang từng bước được khống chế.
Tại ổ dịch ở Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam đã phát hiện 11 F0 chưa xác định nguồn lây. Doanh nghiệp này có 83,1% người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Các lực lượng chức năng đã khẩn trương truy vết được 81 trường hợp F1 và 160 trường hợp F2.
Từ ngày 18/8 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 45 người nhiễm Covid-19 về từ vùng dịch.
Sở Y tế nhận định dịch bệnh đang phức tạp do ca bệnh được ghi nhận ở nơi đông người, KCN, nhà trọ, yếu tố dịch tễ liên quan đến đi chung xe với công ty khác, đi nhiều nơi, có nguy cơ lây lan sang doanh nghiệp khác và địa phương nơi cư trú. Địa điểm xuất hiện ca bệnh là xưởng sản xuất có đông lao động, môi trường làm việc kém thông khí, thời gian tiếp xúc dài.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội nghị.
|
Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát sinh thêm nhiều F0 mới ngoài cộng đồng, trong doanh nghiệp khác, tại khu cách ly, người về từ vùng dịch.
Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng công tác xét nghiệm tầm soát ở một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Dũng khó khăn. Phần mềm truy vết người lao động chưa phát huy hết hiệu quả trong công tác PCD. Một số doanh nghiệp chưa rà soát triệt để, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế, vẫn để sót lọt người lao động chưa được tiêm vắc-xin.
Một số ý kiến nêu: Cần bố trí cho học sinh huyện Việt Yên chuyển sang học trực tuyến từ ngày 1/11; đề nghị tính toán phương án tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân bảo đảm an toàn PCD.
Ngành y tế tỉnh đã chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, sinh phẩm y tế và sẵn sàng kích hoạt từng phần Bệnh viện dã chiến số 2.
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Mai Sơn, Phan Thế Tuấn yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ yếu tố dịch tễ, ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh, nhất là người về từ tỉnh Bắc Ninh. Xét nghiệm tầm soát cộng đồng khu vực đông người, nguy cơ cao để nhanh chóng phát hiện ca bệnh.
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị.
|
Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ cho người dân về tình hình dịch bệnh, các biện pháp PCD, hạn chế tổ chức sự kiện, tập trung đông người, phát huy vai trò tổ Covid cộng đồng trong việc giám sát di biến động dân cư, quản lý người có yếu tố nguy cơ. Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trực tuyến. Ở các địa phương có nhiều ca bệnh thực hiện thí điểm cách ly tại nhà.
Linh hoạt, kiểm soát dịch phù hợp với thực tiễn
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương đánh giá tình hình dịch đã thay đổi, từ ổ dịch ở khu dân cư nay xuất hiện thêm trong doanh nghiệp, lan vào khu nhà trọ.
Đồng chí cho rằng ổ dịch ở xã Thượng Lan sẽ khống chế được trong tháng 10/2021. Riêng ổ dịch tại Công ty TNHH Luxshase - ICT Việt Nam xuất hiện trong KCN, công ty lớn, đông công nhân rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang phát hiện sớm, ổ dịch đang ở chu kỳ lây nhiễm đầu tiên, chưa có lây nhiễm thứ phát sang những người ở cùng nhà, cùng phòng trọ.
Tỉnh cũng đã nhanh chóng chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ doanh nghiệp trong các KCN. Trong khi tỷ lệ người lao động trong KCN đã được tiêm vắc-xin cao nên giảm thiểu tốc độ lây lan; bước đầu ổ dịch này đã được khống chế.
Đồng chí biểu dương xã Thượng Lan và các xã xung quanh KCN trong công tác chống dịch. Các đơn vị, địa phương đã nhanh chóng, quyết liệt hành động, từ đó kiểm soát, làm chủ được tình hình.
Cũng từ 2 ổ dịch này, đồng chí đánh giá công tác quản lý người về từ vùng dịch chưa chặt chẽ; địa phương vẫn chủ quan trong việc tổ chức sự kiện, tập trung ăn uống đông người. Tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PCD lỏng lẻo; chưa thực hiện triệt để các biện pháp đề ra liên quan đến khai báo y tế, quản lý các cơ sở bán thuốc tân dược cho đối tượng ho, sốt gây khó khăn cho việc truy vết khi dịch bệnh xảy ra.
Đồng chí đề nghị các huyện, TP tập trung kiểm soát dịch trong KCN, thay đổi tư duy theo hướng vừa chống dịch theo địa giới hành chính, vừa theo chuỗi các doanh nghiệp, chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Bởi các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh quan hệ mật thiết với các tỉnh Bắc Ninh, TP Hà Nội. Khi TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh có dịch ở cộng đồng hay trong KCN thì Bắc Giang cũng phải triển khai các biện pháp kiểm soát dịch như các tỉnh, TP này.
Đặc biệt, trong những ngày này cần giám sát y tế chặt chẽ số lượng công nhân là người địa phương làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đi về trong ngày.
Đồng chí đề nghị các địa phương phải xác định rõ mỗi xã, phường là pháo đài chống dịch, người dân làm chiến sĩ cùng tham gia PCD để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ địa phương, người dân trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Đồng chí nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ phải được thực hiện phù hợp với thực tiễn của tỉnh Bắc Giang. Trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, người dân di chuyển trong bối cảnh kiểm soát dịch. Người từ vùng dịch về phải khai báo y tế để thực hiện các biện pháp PCD phù hợp. Doanh nghiệp trong KCN, bệnh viện phải xét nghiệm tầm soát công nhân, người ra vào, tùy từng thời điểm điều chỉnh tỷ lệ lấy mẫu cho phù hợp để kiểm soát được tình hình.
Đồng chí Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế thảo luận tại hội nghị. |
Đồng chí yêu cầu các địa phương tiếp tục ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn. Khi dịch bệnh xảy ra phải phản ứng nhanh, quyết liệt. Trong thời gian chưa xác định, đánh giá được mức độ của ổ dịch cần khoanh vùng, lấy mẫu diện rộng sau đó căn cứ vào tình hình dịch tễ thu hẹp địa bàn phong tỏa. Yêu cầu các cấp thành lập lực lượng phản ứng nhanh do y tế làm nòng cốt phục vụ PCD, khi cần có thể huy động khẩn cấp hỗ trợ các địa phương lân cận.
Các huyện, TP cần kết hợp cùng lúc nhiều giải pháp xét nghiệm, cách ly, tuyên truyền, tiêm vắc-xin, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ dập dịch. Đồng chí giao cho đoàn thanh niên mở chiến dịch hỗ trợ toàn dân cài đặt ứng dụng PC-Covid phục vụ công tác PCD. Ngành giáo dục bố trí tiết học công nghệ để hướng dẫn học sinh cài đặt ứng dụng này.
Bất cứ thời điểm nào, các huyện, TP phải chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, cơ sở thu dung, điều trị để ứng phó với các cấp độ dịch; thí điểm cách ly tại nhà đối với bệnh nhân không triệu chứng đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Đồng chí giao cho các huyện, TP căn cứ tình hình thực tiễn triển khai phương án tổ chức ngày hội đoàn kết toàn dân phù hợp với yêu cầu PCD.
Đối với Công ty TNHH Luxshase - ICT Việt Nam, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Xét nghiệm 2 ngày/lần cho công nhân làm việc tại xưởng D. Các bộ phận còn lại xét nghiệm 3 ngày/lần và thực hiện trong 10 ngày để đánh giá lại tình hình dịch bệnh ở đây. Các trường hợp F1 của công ty này đưa đi cách ly tập trung. Riêng F2 cách ly tại nhà hoặc tại Công ty 7 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính mới cho đi làm trở lại. Trong thời gian tới hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ công nhân. Yêu cầu Công ty cập nhật đầy đủ phần mềm quản lý truy vết, yêu cầu công nhân quét mã QR, khai báo y tế trước khi vào làm việc. Ban Quản lý các KCN tỉnh rà soát, lập danh sách công nhân của doanh nghiệp gửi về các huyện, TP. Các huyện, TP nắm chắc số công nhân này, yêu cầu họ ký cam kết đi làm theo một cung đường 2 điểm đến và về, không đi lại giao lưu, tiếp xúc.. |
Tin, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)