Tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường
Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, sau hơn 1 năm triển khai đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, vận hành công trình bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, một số trường hợp đã để xảy ra sự cố môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường cũng như đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín của chính doanh nghiệp gây sự cố.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) khái quát một số nội dung về Luật Bảo vệ môi trường tại buổi tập huấn. |
Ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề, trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, lưu giữ chất thải nguy hại… và có kế hoạch để ứng phó sự cố chất thải, chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Buổi tập huấn nhằm phổ biến Kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố chất thải kể trên, tập huấn các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong ứng phó sự cố môi trường, giúp doanh nghiệp, cơ sở, khu, cụm công nghiệp thực hiện có hiệu quả quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Quang cảnh buổi tập huấn. |
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khái quát một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, tập trung vào nội dung liên quan đến phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; một số vướng mắc trong thực tế triển khai thực hiện quy định về ứng phó sự cố môi trường và phương pháp tháo gỡ tại địa phương; bài học kinh nghiệm thực tiễn trong phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố và phục hồi môi trường sau sự cố, như sự cố tràn dầu, sự cố chất thải,…
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam -Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phổ biến kiến thức, nội dung liên quan trong ứng phó, xử lý sự cố môi trường. |
Qua buổi tập huấn, nhắc đến hậu quả từ một số sự cố môi trường vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; vận hành thường xuyên, đúng quy trình hệ thống xử lý nước thải, khí thải; thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định, bảo đảm chất thải phải được xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường…
Quan tâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường để được hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Theo kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn về nội dung này vào ngày 14/4 cho cán bộ, doanh nghiệp tại địa bàn các huyện: Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa.
Tin, ảnh:Thùy Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)