Tân Yên: Huy động nguồn lực đầu tư các công trình nước sạch
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch còn thấp
Hệ thống cấp nước tập trung thị trấn Cao Thượng do Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Viễn Dương quản lý có công suất thiết kế 3 nghìn m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư khoảng 29 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Theo thiết kế ban đầu, công trình sẽ cấp nước cho người dân ở thị trấn Cao Thượng, xã Cao Xá và các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Đồng Đình. Tuy nhiên số nhà đầu tư thứ cấp tại đây còn ít, nhu cầu sử dụng không cao. Một số hộ dân ở khu vực đã đấu nối đường ống song không mặn mà sử dụng dịch vụ. Công suất thực tế chỉ đạt tỷ lệ 33%; trong đó có khoảng 1,7 nghìn hộ dân ở thị trấn Cao Thượng và xã Cao Xá sử dụng.
Chị Trần Thị Huyền, thôn Đông La, xã Quế Nham sử dụng nước sạch trong sinh hoạt gia đình. |
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trên địa bàn hiện có 2 công trình cấp nước sạch đô thị gồm: Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Nhã Nam (thị trấn Nhã Nam); hệ thống cấp nước tập trung thị trấn Cao Thượng. Các công trình được đầu tư từ ngân sách nhà nước sau đó bàn giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành khai thác. Ngay khi tiếp quản, các doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí mở rộng, nâng cấp tuyến ống chính, ống dịch vụ và thay thế sửa chữa các đồng hồ bị hư hỏng. Tuy nhiên các công trình mới chỉ cung cấp dịch vụ cho người dân, cơ quan, đơn vị ở thị trấn: Cao Thượng, Nhã Nam và một số vùng lân cận. Bởi vậy tỷ lệ hộ dân sử dụng nước từ hệ thống nước tập trung trên địa bàn huyện mới đạt gần 20%.
Xã Liên Sơn có 7 thôn với hơn 1,6 nghìn hộ dân. Dù địa bàn nằm giữa hai thị trấn là: Cao Thượng và Nhã Nam song hiện nay người dân địa phương vẫn sử dụng nước giếng phục vụ sinh hoạt, sản xuất do chưa được doanh nghiệp đấu nối, mở rộng phạm vi cung cấp. Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết: Xã phấn đấu về đích NTM nâng cao trong quý III năm nay. Trong đó tiêu chí nước sạch nông thôn rất khó thực hiện, cần được các ngành chung tay tháo gỡ. Về phía địa phương sẽ chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký sử dụng dịch vụ ngay khi doanh nghiệp đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước đến xã.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là 4 xã xây dựng NTM nâng cao năm 2023 là: Liên Sơn, Lam Cốt, Ngọc Vân, Ngọc Lý.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ
Số hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung còn thấp là do người dân chưa mặn mà; năng lực của một số doanh nghiệp, công trình cấp nước chưa đáp ứng yêu cầu; số công trình, trạm cấp nước trên địa bàn còn ít… Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa rốt ráo vào cuộc; nguồn vốn đầu tư các công trình nước sạch tập trung lớn, trong khi hiệu quả kinh tế chưa cao, nhất là vùng nông thôn nên các nhà đầu tư còn e ngại.
Theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, các xã trên địa bàn huyện Tân Yên phải có từ 35% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (áp dụng cho xã không thuộc khu vực III). |
Bên cạnh đó nhiều nơi đã chủ động, tranh thủ thời cơ để “phủ sóng” nước sạch về nông thôn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Quế Nham, ngay đầu năm 2022, khi Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước trên địa bàn, UBND xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con đăng ký sử dụng. Quá trình triển khai, xã tranh thủ nguồn lực, vận động doanh nghiệp ủng hộ chi phí lắp đồng hồ và đường ống cho một số hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2022 xã có 8/10 thôn với hơn 80% hộ dân đã sử dụng nước sạch từ hệ thống. Hiện nay công ty đang lắp đặt đường ống ở 2 thôn còn lại.
Hệ thống cấp nước tập trung ở thị trấn Cao Thượng do Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Viễn Dương quản lý. |
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra đến năm 2025 về đích huyện NTM nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu, huyện thực hiện nhiều biện pháp nâng tỷ lệ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Cụ thể đã quy hoạch xây dựng 3 công trình cấp nước tập trung và đưa vào danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Trong đó một hệ thống có công suất thiết kế 6,8 nghìn m3/ngày, đêm sẽ cung cấp cho các xã: Liên Chung, Quế Nham, Hợp Đức, Ngọc Lý; một hệ thống có công suất thiết kế 15 nghìn m3/ngày, đêm cung cấp cho 10 cụm xã phía Tây huyện và hệ thống còn lại cung cấp liên xã: Phúc Hòa, Tân Trung, Liên Sơn. Năm 2023, huyện đã bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đối với 3 trạm cấp nước sạch tăng áp ở các xã: Lam Cốt, Ngọc Vân và Liên Chung.
Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: Trên cơ sở quy hoạch và lộ trình phân vùng cấp nước tập trung của huyện, UBND huyện tích cực kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào địa bàn. Đến nay đã có 3 doanh nghiệp tham gia khảo sát. Huyện cam kết đồng hành với doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, khảo sát và vận động nhân dân sử dụng nước sạch từ các công trình tập trung. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các xã Ngọc Châu, Phúc Hòa, Phúc Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, trọng tâm là địa bàn có dân cư tập trung để đề xuất đơn vị cấp nước sạch cho các hộ dân có nhu cầu. Trong đó xã Phúc Sơn khẩn trương đưa vào quy hoạch, đấu nối từ nguồn cấp nước sạch ở tỉnh Thái Nguyên đến cụm dân cư các thôn: Cảm, Khánh Châu, Mai Hoàng. Xã Phúc Hòa đấu nối, đưa nước sạch từ hệ thống tập trung ở thị trấn Cao Thượng đến với các thôn có vị trí gần công trình. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ, ngoài sự chủ động, tích cực của địa phương, còn cần sự chung tay của các cơ quan chuyên môn của tỉnh và doanh nghiệp. Cùng đó là đẩy mạnh công tác truyền thông về những lợi ích khi sử dụng nguồn nước bảo đảm chất lượng đối với sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Bài, ảnh: Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)