Tân Thanh - giữ mạch nguồn cách mạng
BẮC GIANG - Làng Bừng, xã Tân Thanh (Lạng Giang) xưa từng là nơi đón tiếp, che chở nhiều cán bộ hoạt động cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Những thế hệ người dân làng Bừng nói riêng và xã Tân Thanh nói chung đang tiếp nối mạch nguồn truyền thống, xây dựng quê hương giàu đẹp.
“Làng có công với nước”
Làng Bừng thuộc xã Tân Thanh được hình thành bởi 4 xóm: Đông, Trung, Tê và Thuận. Nơi này có địa thế hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, cây cối rậm rạp. Theo sử sách ghi lại, phong trào cách mạng ở đây phát triển rất sớm. Vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, làng Bừng trở thành nơi hoạt động bí mật của nhiều đồng chí như: Hoàng Văn Thụ, Hà Thị Quế, Hoàng Quốc Thịnh, Ngô Ngọc Dương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thanh Bình... Cũng tại đây, năm 1941, báo Phục quốc-cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang ấn hành số đầu tiên, được lưu hành bí mật. Tờ báo có chức năng phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, kêu gọi quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, ủng hộ hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, vạch trần sự tàn bạo của thực dân Pháp.
Đình Bừng, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của cách mạng. |
Cuối năm 1941 đầu năm 1942, một số cơ sở cách mạng trong tỉnh bị địch khủng bố ác liệt, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, trong đó có cả đồng chí về Bừng gây dựng cơ sở cách mạng ban đầu. Trong thời gian đứt liên lạc với cấp trên, các cơ sở ở làng Bừng vẫn hoạt động, nhiều cán bộ đã được nhân dân địa phương che giấu, bảo vệ an toàn. Năm 1944, sau khi kiểm tra tình hình và liên lạc với lãnh đạo lực lượng tự vệ Bừng, Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang quyết định đẩy phong trào cách mạng ở đây lên một bước mới bằng việc vận động quần chúng chống đi phu, đi lính, thành lập đội tự vệ cứu quốc giữ gìn an ninh trật tự, chống trộm cướp, bảo vệ cơ sở, cán bộ.
Từ 12 người, đội tự vệ làng Bừng phát triển lên hơn 40 người. Nhiều cuộc càn quét của quân địch không thu được kết quả bởi vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng tự vệ địa phương. Làng Bừng trở thành căn cứ an toàn, là nơi mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, nơi đi về của cán bộ. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa, từ làng Bừng, đội quân cách mạng phối hợp cùng các lực lượng khác trong tỉnh tiến về cướp chính quyền ở Phủ Lạng Thương, góp công sức làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân xã Tân Thanh cùng các lực lượng vũ trang chiến đấu gần 20 trận, diệt 175 tên địch, thu 112 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Không chỉ chiến đấu giữ gìn quê hương, Tân Thanh còn động viên 120 thanh niên vào bộ đội, hàng trăm người phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ủng hộ hơn 100 tấn lương thực cho kháng chiến và 5 nghìn ngày công đào công sự, làm hầm bí mật. Những di tích như: Đình, chùa, nghè làng Bừng, nơi từng nuôi giấu, che chở cán bộ nay được quan tâm tu bổ, tôn tạo, trở thành di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng.
Đi lên từ điểm tựa truyền thống
Từ điểm tựa truyền thống cách mạng làng Bừng, xã Tân Thanh ngày nay đang "thay da đổi thịt", trở thành vùng quê năng động, phát triển. Đồng chí Lê Anh Huy, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống, Đảng bộ xã thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn cả về chuyên môn, lý luận chính trị và ý thức trách nhiệm. Tập trung giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất nội bộ; chú trọng phát huy trí tuệ tập thể trong xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo trên các lĩnh vực”.
Cán bộ xã Tân Thanh thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. |
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ xã Tân Thanh lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ chính trị. Đơn cử, trong công tác giải phóng mặt bằng, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định rõ mục tiêu, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân. Nhờ vậy, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương thu hồi đất thực hiện các dự án.
Đến nay, toàn xã giải phóng được khoảng 40 ha, góp phần để các dự án hạ tầng khu dân cư, mở rộng trường THCS và một số tuyến đường giao thông trọng điểm thi công thuận lợi. Điển hình như: Đường thị trấn Vôi đi các xã Tân Thanh–Dương Đức; đường trục từ thị trấn Vôi kết nối với đường Nghĩa Hưng – Tiên Lục – Dương Đức; đường thị trấn Vôi đi xã Mỹ Hà... Các công trình mở ra cơ hội kết nối và phát triển cho xã trong tương lai.
Năm 2005, xã Tân Thanh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Trước đó, năm 1978, làng Bừng được trao tặng Bằng công nhận “Làng có công với nước”. |
Trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, từ nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy, xã khắc phục khó khăn, huy động tốt các nguồn lực, đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng mới trường tiểu học; thực hiện 20 công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, thiết chế văn hóa… trị giá khoảng 22 tỷ đồng. Hiện xã có 5 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; trường tiểu học xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ngoài lúa và rau màu, một số hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng công nghệ cao để trồng dưa lưới, rau sạch; mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ.
Đặc biệt, xã phát triển mạnh mô hình liên kết trồng nấm với 21 hộ tham gia, quy mô 12,8 nghìn m2, sản lượng đạt hơn 400 tấn/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 2,54%. Công tác giáo dục truyền thống cách mạng được đặc biệt chú trọng. Các trường học tổ chức tốt hoạt động dã ngoại, tìm hiểu lịch sử tại các điểm di tích trên địa bàn. Đoàn thanh niên đảm nhận việc làm đẹp, xây dựng mã QR code cho đình, chùa Bừng để giới thiệu, quảng bá di tích. Những việc làm này góp phần giúp các thế hệ thêm tự hào về truyền thống, từ đó chung tay xây dựng làng Bừng xưa, Tân Thanh nay ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)