Tấn công “chảo lửa Idlib”, Syria đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột 7 năm?
![]() |
Hình ảnh đổ nát tại tỉnh Idlib. |
Dù hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không đạt được sự nhất trí chung về cuộc tổng tấn công của quân đội Syria vào tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria, không quân Nga những ngày qua vẫn tiếp tục các đợt oanh tạc mạnh mẽ nhất nhằm vào Idlib để dọn đường cho cuộc tổng tấn công của quân đội Syria. Một cuộc tấn công vào "chảo lửa Idlib" là điều dường như sẽ không thể khác vì đây là điểm nóng khủng bố mà Nga cũng như Syria muốn giải quyết từ lâu, góp phần đem lại hòa bình cho Syria sau cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua tại nước này.
Cuộc họp ba bên mới đây tại Tehran gồm Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gây thêm áp lực đối với các lực lượng phiến quân vẫn hoạt động ở tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria. Cuộc họp này đã bỏ qua cơ hội, dù mong manh, để đạt được giải pháp ngoại giao trong nỗ lực nhằm phân tách thường dân và phiến quân khỏi các tay súng Hồi giáo ở Idlib. Iran và Nga ủng hộ chính quyền Syria thực hiện chiến dịch quân sự nhằm giải phóng Idlib, thành trì cuối cùng do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn thực hiện một lệnh ngừng bắn. Lý do là Ankara, vốn hậu thuẫn một số nhóm đối lập chống lại Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, lo ngại một cuộc tấn công quân sự sẽ gây ra làn sóng người tị nạn và làm bất ổn những khu vực mà Ankara hiện kiểm soát ở Syria. Hơn 30 nghìn người dân tại Idlib đã sơ tán và Liên Hợp quốc cảnh báo sẽ có thêm 2,5 triệu người có thể đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp nổ ra cuộc tấn công.
Đất nước Syria đã trở thành vũ đài diễn ra các hoạt động chính trị và cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn trong suốt 7 năm qua. Cuộc chiến đã làm hơn 350 nghìn người thiệt mạng, 7 triệu người đi tị nạn, 6,3 triệu người sơ tán trong nước (trong số 23 triệu dân) và khiến một đất nước hoang tàn. Cuộc xung đột Syria cũng đã vẽ lại bàn cờ địa chính trị khu vực và thế giới. Nếu hòa bình không được tái lập nhanh chóng và kinh tế không tái khởi động, sẽ có thêm 3 triệu người Syria nữa ra đi trong những năm tới. |
Tổng thống Erdogan cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Idlib sẽ gây ra tác động đối với tương lai của Syria cũng như đến tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và toàn khu vực. Còn đối với Nga và Iran, đều là đồng minh của chính quyền Damascus, việc giành lại Idlib có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực hoàn thành điều mà cả hai cho là một chiến thắng quân sự trong cuộc xung đột ở Syria sau khi binh sĩ Syria tái chiếm gần như toàn bộ các thành phố và thị trấn chủ chốt.
Giới quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dù đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ vẫn muốn có được sự ủng hộ của Washington phản đối một cuộc tấn công quy mô lớn vào Idlib. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính quyền Donald Trump đã mất tầm ảnh hưởng để có thể chặn bước chân của Nga, Iran và Syria thực hiện cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào tỉnh Idlib. Cho dù Washington đã phát đi những thông điệp lẫn lộn về kế hoạch của mình đối với cuộc xung đột kéo dài 7 năm đầy phức tạp này nhưng nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng rất khó dự đoán ông Trump sẽ hành động quân sự bởi những tuyên bố của ông Trump cho đến thời điểm này chỉ tập trung vào vấn đề nhân đạo ở Idlib, chứ không nhấn mạnh tới lời đe dọa hay giới hạn đỏ của Mỹ, trừ khi quân đội của Tổng thống Al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô lớn.
![]() |
Người dân Syria sơ tán khỏi Idlib do lo ngại chiến sự leo thang. |
Việc liều lĩnh tấn công quân sự nhằm vào Syria một lần nữa có thể khiến Mỹ đụng độ quân sự với Nga trong một kịch bản tồi tệ nhất có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Mỹ và phương Tây nhiều năm qua đã ủng hộ các nhóm nổi dậy mà họ coi là "ôn hòa" ở Syria. Tuy nhiên, sự ủng hộ này không còn mạnh mẽ như trước, ngoài ra Mỹ và các nước phương Tây cũng không muốn gửi thêm lính đến Syria vì lo ngại sẽ bị sa lầy như ở Libya.
Với việc chiếm lại TP Daraa ở miền Nam Syria - nơi cuộc nổi dậy bắt đầu vào đầu năm 2011, lực lượng không quân Nga, các lực lượng dân quân nước ngoài dưới sự chỉ huy của Iran và quân đội Syria của Tổng thống Assad hiện nay nắm quyền kiểm soát trên 90% đất nước. Hơn 3/4 dân số còn lại của nước này sống trong vùng lãnh thổ đó. Chính sự can thiệp quân sự của Nga vào mùa Thu năm 2015 đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Nhờ các cuộc không kích lớn và hiệu quả của Nga, tình thế chiến trường đã thay đổi nhanh chóng, quân chính phủ Syria ngày càng chủ động tấn công, dồn ép quân nổi dậy tới những “hang ổ” cuối cùng. Mà vị trí then chốt nhất còn lại chính là Idlib.
Chiến tranh có thể sẽ sớm khép lại nếu quân đội Syria giải phóng Idlib. Từ cuối tháng 8-2018, Nga đã triển khai một lực lượng hải quân lớn ở phía Tây Địa Trung Hải, ngoài bờ biển Syria với 12 tàu chiến, bao gồm tàu khu trục, khinh hạm và tàu ngầm, trong đó một số tàu được trang bị tên lửa hành trình Kalibr. Đó là đợt triển khai lớn nhất của Moskva kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tại thời điểm này, số phận của tỉnh Idlib của phe đối lập coi như đã “nằm trong tay” quân chính phủ. Từ nhiều ngả đường, quân đội chính phủ và cả người dân có vũ trang ủng hộ chính phủ đang siết chặt vòng vây quanh Idlib.
![]() |
Bản đồ tỉnh Idlib của Syria. |
Hiện trở ngại duy nhất đối với kịch bản giải phóng Idlib là Mỹ và phương Tây có thể tìm cớ để nhảy vào tấn công quân sự Syria. Còn nhớ, hồi tháng 4-2017 và đúng một năm sau đó là vào tháng 4-2018, các lực lượng của Mỹ đã oanh kích những mục tiêu ở Syria nhằm đáp trả các cuộc tấn công của chính quyền Damascus bị cho là sử dụng vũ khí hóa học. Moskva cáo buộc lực lượng phiến quân kiểm soát Idlib lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công hóa học “giả mạo” rồi đổ lỗi cho chính quyền Damascus để tạo cớ cho phương Tây tấn công lực lượng chính phủ. Moskva lần này cảnh báo Mỹ, Anh và Pháp không can thiệp vào chiến dịch ở Idlib hiện nay. Hiện Nga đã củng cố được sức mạnh hải quân ở ngoài khơi bờ biển Syria và luôn sẵn sàng cho cuộc đối đầu quân sự với phương Tây nếu Syria bị tấn công.
Với diện tích khoảng 6 nghìn km2, Idlib có khoảng 3 triệu người dân đang sinh sống. Đây cũng là thành trì của hơn 60 nghìn tay súng đối lập và sự hiện diện của nhóm phiến quân Hay’et Tahrir al-Sham (HTS). Với hơn 12 nghìn phần tử, HTS đang kiểm soát một khu vực rộng lớn tại Idlib, hơn nữa nhóm này còn tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại quân đội chính phủ tới cùng.
Đất nước Syria đã trở thành vũ đài diễn ra các hoạt động chính trị và cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn trong suốt 7 năm qua. Cuộc chiến đã làm hơn 350 nghìn người thiệt mạng, 7 triệu người đi tị nạn, 6,3 triệu người sơ tán trong nước (trong số 23 triệu dân) và khiến một đất nước hoang tàn, cuộc xung đột Syria cũng đã vẽ lại bàn cờ địa chính trị khu vực và thế giới. Nếu hòa bình không được tái lập nhanh chóng và kinh tế không tái khởi động, sẽ có thêm 3 triệu người Syria nữa ra đi trong những năm tới. Do vậy, đây là thời điểm tốt nhất để quân đội Syria xóa sổ nốt các nhóm phiến quân, đặt dấu chấm hết cho một cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)