Sơn Động: khai thác tiềm năng du lịch
Đồng Cao, huyện Sơn Động |
Những năm gần đây, Sơn Động nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Lợi thế của huyện là có diện tích rừng lớn, trong đó có cả rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật đa dạng. Nổi bật là Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử và những điểm thu hút khách du lịch như Đồng Cao, xã Thạch Sơn; rừng nguyên sinh Khe Rỗ, xã An Lạc; hồ Khe Chão, xã Long Sơn…Gặp anh Nguyễn Đức Hiếu ở phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) đang đưa gia đình đi thăm Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, anh nói: “Từ trước tôi chỉ biết đến Yên Tử qua đường đi ở phía Quảng Ninh, nay có tuyến từ TP Bắc Giang lên thẳng, tôi và gia đình tổ chức chuyến đi gồm cả ông bà và các cháu. Bố mẹ tôi đã hơn 70 tuổi nhưng rất phấn khởi khi đến Tây Yên Tử, đi cáp treo lên chùa Thượng nên ông bà vẫn đủ sức khỏe leo núi, thăm thú cảnh quan. Tôi thấy đường đi thuận tiện, phong cảnh đẹp, hạ tầng dịch vụ cơ bản đầy đủ, nếu bạn bè, người thân có nhu cầu, tôi sẽ giới thiệu lên với Tây Yên Tử”.
Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử. |
Theo đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử, dự án. Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đến nay, các hạng mục của giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành như: Nâng cấp tuyến giao thông từ đường tỉnh 293 vào chùa Hạ; xây dựng trạm cấp nước Đồng Thông và trạm biến áp cấp điện; xây dựng xong chùa Thượng; hoàn thiện các hạng mục: Tam quan, tòa Tiền đường; hoàn thành, đưa vào khai thác nhà ga đi, đến và tuyến cáp treo nối chùa Hạ với chùa Thượng; khu Quảng trường, nhà hàng ven suối, cầu cảnh quan…
Du khách đến với Đồng Cao-điểm du lịch hấp dẫn ở Sơn Động. |
Kết nối chùa Thượng (Bắc Giang) với tượng Phật Hoàng và chùa Đồng (Quảng Ninh). Do vậy, trong năm 2019 đã đón hơn 150 nghìn lượt khách tham quan, doanh thu đạt 25 tỷ đồng. Để khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, tâm linh kết hợp du lịch cộng đồng, khám phá, huyện Sơn Động đã có định hướng phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường và triển khai các dự án lồng ghép nhằm nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Hát then phục vụ du khách tại điểm du lịch cộng đồng. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Giáp Văn Tâm cho biết, huyện tích cực mời gọi, ưu đãi các nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực du lịch, nhất là hạ tầng, dịch vụ vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn. Đồng thời tiếp tục đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trên địa bàn; tuyên truyền, quảng bá các điểm đến, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Huyện quan tâm bảo tồn những nét văn hóa dân tộc đặc sắc như lễ cấp sắc, cúng rừng, cầu lương thực của đồng bào dân tộc Dao; lễ hội bơi chải, lễ hội hát Sloong hao của dân tộc Nùng, hội hát Then, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; nghề bốc thuốc nam, nghề thêu thổ cẩm của người Dao dưới chân núi Yên Tử…
Khu vực rừng nguyên sinh Khe Rỗ, xã An Lạc. |
Năm 2019, huyện đón hơn 50 vạn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, tăng gần 140% so với năm 2018, trong đó có khoảng 3.200 khách quốc tế tăng hơn 145%. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt hơn 98 tỷ đồng, tăng gần 40%. Khảo sát của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch huyện mới đây cho thấy, hơn 90% du khách đánh giá Sơn Động là nơi phong cảnh đẹp, con người thân thiện. 100% du khách cho rằng, du lịch ở đây thích hợp với những người yêu thiên nhiên và mạo hiểm. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động phong phú, hấp dẫn, qua đó giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Sơn Động tới du khách. Đặc biệt, điểm nhấn sẽ là Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử đầu năm 2020.
Ý kiến bạn đọc (0)