Sơn Động: Đường mới, dân vui
Kè đá kiên cố rãnh thoát nước tuyến đường từ thôn Sản 1 đi thôn Phiên Hương, xã Hữu Sản. |
Gỡ khó về giao thông
Mấy ngày nay, trên con đường đất xuyên qua rừng từ thôn Sản 1 vào thôn Phiên Hương, xã Hữu Sản (Sơn Động), tiếng máy xúc, máy ủi, ô tô ầm ì từ sáng đến chiều muộn. Hàng chục công nhân cần mẫn mỗi người mỗi việc. Máy san gạt, xúc đất đến đâu, từng tốp công nhân lại kè đá, đặt cống qua suối đến đấy. Nền đường phẳng, rộng, có rãnh thoát nước kiên cố đang dần hình thành, thay thế cho con đường nhỏ hẹp, lầy lội trước đây.
Bà Long Thị Hải, dân tộc Tày, thôn Sản 1 tranh thủ những ngày ngớt mưa đang cùng con trai đi kiểm tra lại đường ống nước dẫn từ đầu nguồn Khe Điêng ở thôn Phiên Hương về nhà. Gặp chúng tôi, bà nói: “Đường vào thôn Phiên Hương đang được mở rộng, đi lại không còn vất vả”. Anh Bế Văn Cường, con trai bà Hải tiếp lời: “Bây giờ có thể đi xe máy dọc đường để kiểm tra ống nước, không phải đi bộ, vạch từng cây rừng như trước đây. Sắp tới, đường được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, thu hoạch keo, bạch đàn cũng dễ bán hơn”.
Được biết, từ tháng 6-2018, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Long (TP Bắc Giang) đã triển khai xây dựng con đường này, với chiều dài hơn 2 km, rộng 5 m. Hiện nay, Công ty đang tập trung các loại máy móc và công nhân thi công, phấn đấu hoàn thành công trình trong thời gian 180 ngày, vượt tiến độ kế hoạch đề ra.
Ông Bế Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản cung cấp thêm, công trình được huyện Sơn Động đầu tư từ nguồn vốn của Dự án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ, tổng giá trị hơn 2,2 tỷ đồng. Đây là khu vực đặc biệt khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, trước đó chỉ có đường đất nhỏ hẹp, lầy lội. Có đường mới, người dân thôn Phiên Hương sẽ bớt khó khăn. Bởi vậy, khi xã Hữu Sản phổ biến, vận động nhân dân thu dọn cây rừng để tạo mặt bằng thi công, bà con đều vui vẻ nhường đất, không đòi hỏi đền bù.
Trao đổi với đồng chí Khúc Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Sơn Động, được biết, với các công trình Ban Quản lý được UBND huyện giao tổ chức thực hiện quản lý đầu tư, đơn vị đều phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư vấn, nhà thầu thi công để triển khai đúng kế hoạch. Địa bàn có nhiều bà con dân tộc, phong tục, tập quán khác biệt nên trong quá trình thi công cũng phải thường xuyên trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương, tôn trọng ý kiến nhân dân. Ban Quản lý phân công cán bộ cụ thể ở từng công trình, bám sát hiện trường, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Dồn lực làm đường
Theo đánh giá của Huyện ủy Sơn Động, tổng mức đầu tư toàn xã hội cho xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 tới nay ước đạt gần 3 nghìn tỷ đồng; trong đó cứng hóa được 55 km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ 91% kế hoạch phát triển giao thông giai đoạn 2016-2020. |
Kinh nghiệm của huyện Sơn Động trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, hệ thống đường giao thông nói riêng là lựa chọn những tuyến đường, công trình thiết thực, giải quyết nhu cầu bức thiết trước, đúng với nguyện vọng của người dân. Khi nhân dân đồng thuận thì công trình triển khai thuận lợi, huy động được sức mạnh của nhân dân cùng với đầu tư của Nhà nước.
Điều này thấy rõ ở dự án đường bê tông từ thôn Mật qua thôn Mo Reo đến Trường THPT Sơn Động số 1 trên địa bàn xã An Lập. Tuyến đường dài hơn 2,3 km, nền rộng 5 m, bề mặt 3,5 m có tổng vốn đầu tư 4,576 tỷ đồng. Khi đường hoàn thành đã giải quyết khó khăn về đi lại, giao thông bao năm qua cho người dân xã An Lập và khu vực lân cận.
Chị Ngọc Thị Lâm ở thôn Tam Hiệp, xã An Lập đang chở thóc về nhà sau khi phơi ở sân nhà văn hóa thôn, nói với chúng tôi: "Trước đây là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng lên bụi mù mịt, nhiều người đi xe máy, xe đạp ngã liên tục vì ổ voi, ổ gà. Khi có thông báo về giải phóng mặt bằng để làm đường, gia đình tôi tự nguyện hiến gần 10 m2 đất, không đòi hỏi đền bù để đường rộng, thẳng hơn. Nay đường đẹp rồi, có gặt lúa, thu hoạch gỗ trồng rừng cũng tiện, giá bán nông sản vì thế cũng cao hơn".
Theo đánh giá của Huyện ủy Sơn Động, tổng mức đầu tư toàn xã hội cho xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 tới nay ước đạt gần 3 nghìn tỷ đồng; trong đó cứng hóa 55 km đường nông thôn, đạt tỷ lệ 91% kế hoạch phát triển giao thông giai đoạn 2016-2020; thực hiện cải tạo, nâng cấp cục bộ quốc lộ 31 đoạn qua thị trấn An Châu; hoàn thành kế hoạch cứng hóa đường giao thông nông thôn năm 2017 theo Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh...
Tiếp nối thành công đó, năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy có chủ trương hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông nông thôn với số tiền 200 triệu đồng/km từ ngân sách của huyện; đến nay các xã, thị trấn đã đăng ký thực hiện cứng hóa thêm 25 km. Bằng cách huy động tối đa các nguồn lực, huyện Sơn Động tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, là nền tảng để xóa đói, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống cho bà con các dân tộc.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)