Sớm cụ thể hóa các nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Xin đồng chí cho biết quy hoạch này có vai trò như thế nào trong phát triển KT- XH của tỉnh?
Đồng chí Bùi Thị Thu Thủy. |
Công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia nói chung và mỗi địa phương nói riêng để định hướng, tổ chức không gian, phát huy tiềm năng lợi thế, đồng thời huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các yếu tố, nguồn lực cho phát triển.
Như vậy, có thể nói, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất là tạo ra khung pháp lý để định hướng phát triển chung cho tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Quy hoạch tỉnh là “xương sống” để trên cơ sở đó, các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành như quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất rà soát, điều chỉnh để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh trên từng phạm vi không gian trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch đã xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, xác định việc tổ chức không gian phát triển một cách khoa học, hợp lý, bền vững, xác định bước đi, thứ tự ưu tiên phát triển, trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực để nhằm đạt được các mục tiêu đã được xác định trong quy hoạch.
Thưa đồng chí, những tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược được thể hiện ở những nội nào trong Quy hoạch tỉnh?
Tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược được thể hiện trước hế là việc triển khai xây dựng quy hoạch (tức là thay đổi “lối mòn” về xây dựng quy hoạch so với trước đây) cũng như trong nội dung của quy hoạch.
Trong việc xây dựng quy hoạch, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời làm theo quan điểm là “ý tưởng từ trên xuống, cụ thể từ dưới lên” và chỉ những nội dung, lĩnh vực cần phải quản lý mới đưa vào quy hoạch. Do đó bảo đảm được sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện sau này.
Về nội dung của quy hoạch, có thể nói, đột phá trong Quy hoạch tỉnh chính là việc “mạnh dạn” xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể có thể nói là “khó” để cần phải có sự đồng lòng, thống nhất và quyết liệt trong tổ chức thực hiện thì mới đạt được.
Đồng thời, quy hoạch xác định yếu tố tổ chức không gian (tức là cần phải xác định rõ làm cái gì, làm ở đâu) là yếu tố mang tính đột phá chiến lược trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là không gian phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ; xác định động lực cho phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030 là công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Công dân đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. |
Với việc xác định công nghiệp, đô thị và dịch vụ sẽ là những động lực chính cho phát triển tỉnh thời kỳ 2021- 2030, quy hoạch tỉnh đã xác định 3 khâu đột phá phát triển, gồm:
(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính (đây chính là khâu cần tập trung và là vấn đề đặt ra đối với tỉnh hiện nay).
(2) Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển.
(3) Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên.
Theo đồng chí, cần làm gì để biến quy hoạch thành động lực phát triển?
Để quy hoạch trở thành động lực cho phát triển, trước hết tỉnh sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch và cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh trên cơ sở việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức công khai quy hoạch để kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực thực hiện quy hoạch. Việc công khai quy hoạch vừa để thu hút nguồn lực, vừa là để toàn xã hội giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.
Trên cơ sở định hướng, mục tiêu đã được xác định trong quy hoạch, cần phải nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển để huy động nguồn lực.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa là việc quản lý thực hiện theo quy hoạch. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, việc này vừa để bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tránh lãng phí nguồn lực vì không thực hiện theo quy hoạch.
Để góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh, xin đồng chí cho biết thời gian tới Sở KH&ĐT tập trung vào triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào?
Đây là bước cụ thể hoá các nội dung của Quy hoạch tỉnh vào trong thực tế. Do vậy, trước mắt, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với các ngành, huyện, thành phố tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để bảo đảm triển khai đồng bộ.
Kế hoạch phải xác định được rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương gắn với thời gian hoàn thành cụ thể, xác định được các kịch bản ứng phó khi tình hình diễn biến thực tế có sự thay đổi so với dự báo; xác định các chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, bảo đảm rằng các mục tiêu, định hướng trong quy hoạch được triển khai tốt nhất, hiệu quả nhất, tạo ra bước đột phá, đưa Bắc Giang phát triển theo đúng định hướng mà quy hoạch đã xác định.
Các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực sẽ được Sở phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố cụ thể hoá thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.
Đồng thời, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố cần triển khai ngay việc rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để cụ thể hoá quy hoạch tỉnh trên địa bàn; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cùng với quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tham mưu các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, để bảo đảm rằng quy hoạch được thực thi trong thực tế.
Xin cảm ơn đồng chí !
Trần Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)