Sản xuất vụ mùa ở Bắc Giang: Mở rộng liên kết, tăng giá trị sản phẩm
Những mô hình mới
Qua tham quan, học hỏi từ các mô hình trước đó, vụ mùa này, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đức Thắng (Hiệp Hòa) triển khai trồng cây kim tiền thảo với diện tích gần 5ha. Thực hiện mô hình này, đơn vị ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Dược liệu OPC Yên Dũng. HTX được cung ứng giống, tập huấn chuyển giao khoa kỹ thuật. Ông Ngô Khắc Giang, chỉ đạo trực tiếp mô hình cho biết: “Mặc dù không phải là cây trồng mới song đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa cây kim tiền thảo về trồng tại địa phương. Với kỹ thuật được chuyển giao, các thành viên HTX đã áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, hiện cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt”.
Giống lúa thuần J02 được nông dân thôn Tiên La đưa vào sản xuất vụ mùa theo mô hình liên kết. |
Theo hợp đồng liên kết, Công ty Dược liệu OPC Yên Dũng thu mua sản phẩm khô với giá 13 nghìn đồng/kg. Với sự sinh trưởng, phát triển của cây kim tiền thảo như hiện nay, mỗi sào cho thu hoạch khoảng 500 kg khô. Trừ chi phí giống, phân bón, túi ni-lông… cho thu nhập hơn 4 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng sắn trước đây. Vụ tới HTX sẽ mở rộng thêm gần 8 ha trồng cây dược liệu theo mô hình liên kết, trong đó, vụ xuân và vụ mùa trồng kim tiền thảo, vụ đông trồng cây ích mẫu.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa toàn tỉnh là 64.500 ha. Trong đó, diện tích trồng lúa 52.300 ha (21.000 ha lúa chất lượng còn lại là lúa lai, lúa thuần khác); 2.400 ha ngô; 1.400 ha lạc, còn lại là rau các loại và cây trồng khác như dược liệu, hoa cây cảnh… Trong số diện tích trên, nhiều mô hình được thực hiện theo hình thức liên kết sản xuất. |
Từ kết quả sản xuất vụ chiêm xuân, vụ mùa này, nông dân thôn Tiên La, xã Đức Giang (Yên Dũng) tiếp tục đưa hai giống lúa thuần chất lượng cao là J02 và QR 15 vào sản xuất trên diện tích gần 30 ha. Đây là hai giống lúa mới có nhiều tính ưu việt, cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Triển khai mô hình, địa phương đã liên kết sản xuất với Công ty Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam. Bà con được công ty cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thu mua sản phẩm sau thu hoạch. Một số hộ dân thông tin, liên kết sản xuất theo chuỗi rất có hiệu quả. Bà con nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, kỹ thuật. Các công ty liên kết uy tín, đầu tư cho bà con một cách căn cơ, khoa học. Nhờ vậy, nông dân yên tâm sản xuất khi tham gia mô hình.
Điểm khác biệt từ vụ chiêm xuân 2020 và vụ mùa này so với các năm trước là nông dân đã mạnh dạn “bắt tay” liên kết với doanh nghiệp thử nghiệm các loại giống lúa và quy trình sản xuất mới. Thông qua doanh nghiệp, nông dân ký kết quy trình sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch. Đến khi thu hoạch, công ty cam kết thu mua sản phẩm ngay tại ruộng. Không những thế, năng suất và chất lượng gạo ngon nên bà con rất phấn khởi.
Lợi đôi đường
Trên thực tế, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã và đang hình thành nhiều mối quan hệ liên kết và sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, trong sản xuất vụ mùa - vụ thường bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết mưa bão, sâu bệnh. Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), được biết, mặc dù chưa có thống kê cụ thể diện tích các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại các vụ trong năm song việc phát triển và nhân rộng các mô hình này ngày càng lan tỏa.
Khảo sát tại huyện Hiệp Hòa ở vụ mùa này cho thấy, toàn huyện có tới hơn 1.200 ha lúa chất lượng và hơn 30 ha lạc có sự liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, tại huyện Việt Yên, vụ mùa này gieo cấy 2.400 ha lúa chất lượng trong đó phần lớn diện tích thực hiện mô hình liên kết. Thực tiễn sản xuất cho thấy, thực hiện theo mô hình liên kết, nông dân được hưởng lợi và doanh nghiệp có điều kiện để phát triển tạo ra lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các mô hình liên kết sản xuất đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, giúp người dân yên tâm đầu tư chăm sóc cây trồng và cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị kinh tế cao. Nổi bật là các mô hình trồng ngô ngọt, gieo cấy lúa chất lượng… đã khẳng định hiệu quả và ngày càng được nhân rộng mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. Là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về giống cây nông nghiệp mới khai thác trên địa bàn song vài vụ trở lại đây, Công ty Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã thử nghiệm và liên kết sản xuất thành công 2 giống lúa thuần chất lượng cao cả vụ xuân, vụ mùa. Đồng hành cùng bà con, đơn vị thường xuyên có mặt tại ruộng hướng dẫn chăm sóc, xử lý sâu bệnh kịp thời nên năng suất lúa đạt cao. Thóc tươi lại được thu mua tại ruộng với giá cao hơn thị trường. Như vậy, doanh nghiệp có nguồn cung, nông dân bán được hàng, đôi bên cùng thuận lợi.
Được biết, để nhân rộng các mô hình liên kết, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất cùng nông dân; dồn đổi ruộng thành ô thửa lớn và xây dựng hạ tầng để có vùng sản xuất đủ lớn, thuận lợi cho canh tác, thu hoạch sản phẩm.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc (0)