Sản xuất nấm lim xanh tại Sơn Động: Khai thác lợi thế từ rừng
Là người tâm huyết trong sản xuất nấm lim xanh, ông Bế Văn Sáu, Giám đốc HTX Sản xuất nấm ăn - nấm dược liệu Sơn Động bắt đầu trồng nấm lim xanh từ năm 2013. Đến năm 2019, khi có dự án, gia đình ông được hỗ trợ mở rộng lên 10 nghìn bịch nấm/năm, trong đó 5 nghìn bịch trồng trong lán trại, còn lại trồng dưới tán rừng tự nhiên.
Ông Hoàng Văn Sáu (thứ 2 từ trái qua) giới thiệu mô hình trồng nấm lim xanh. |
Tham gia dự án, ngoài được hỗ trợ giống, nguyên vật liệu khác, gia đình ông được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. “Trồng nấm lim xanh tương đối khó nên ít hộ tham gia. Người trồng cần hiểu được chu kỳ sinh trưởng, phát triển của nấm, thường xuyên vệ sinh lán trại sạch sẽ, kiểm tra mầm bệnh…”, ông Sáu chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, năm 2020, đơn vị chuyên môn tiếp tục hỗ trợ ông Sáu và gia đình ông Nguyễn Văn Long ở thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn trồng 4 nghìn bịch nấm trong lán trại và 2.500 bịch nấm dưới tán rừng lim. Theo đánh giá, nấm lim xanh được trồng trực tiếp dưới tán rừng tự nhiên có nhiều ưu điểm như giúp hệ sợi sinh trưởng, phát triển tốt, ít công chăm sóc, chu kỳ thu hoạch kéo dài hơn; tỷ lệ sống đạt khoảng 86%, sau trồng khoảng hơn 1 tháng là cho thu hái. Mỗi tấn nguyên liệu thu được khoảng 21kg nấm khô. Giá bán trung bình từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí, người trồng thu lãi 300 đến 400 nghìn đồng/kg.
Chị Phạm Thị Thu, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Hàm lượng polisacharide của nấm lim xanh trồng đạt khoảng 1,42%, tương đương với hàm lượng trong nấm lim xanh rừng tự nhiên. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể đưa nấm lim xanh vào trồng trong lán trại. Sản phẩm của các mô hình, dự án sẽ được thu mua để sản xuất thử nghiệm trà túi lọc, trà hòa tan, rượu từ nấm lim xanh và tiến hành thương mại hóa sản phẩm”.
Bài, ảnh: Hoàng Thoa
Ý kiến bạn đọc (0)