Sản xuất cam Canh: Áp dụng kỹ thuật mới, nâng chất lượng quả
Người dân xã Trù Hựu buộc dây trên cây cam để đỡ quả. |
Chú trọng mẫu mã
Trò chuyện với anh Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được biết, sau vụ cam kém vui vào năm ngoái, các hộ trồng cam Canh trong huyện đã có những kinh nghiệm để nâng tỷ lệ quả chất lượng, mã đẹp.
Để hiểu rõ hơn, vào trung tuần tháng 11, chúng tôi được cán bộ chuyên môn của huyện đưa về xã Hồng Giang, địa bàn duy nhất trong tỉnh chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng cây ăn quả. Dọc hai bên đường bê tông phẳng lì dẫn đến các mảnh vườn là những ngôi nhà cao tầng khang trang nổi bật giữa màu xanh của cam Canh xum xuê quả. Điểm đặc biệt là trong mỗi vườn, chủ nhân bắt quả, dựng khung tre chống đỡ. Ghé thăm quả đồi rộng hơn 1 ha của gia đình anh Trần Văn Hiếu, thôn Hiệp Tân, ai nấy đều xuýt xoa bởi những chùm cam trĩu quả.
Đang dọn cỏ để hạn chế sâu bệnh trú ngụ, anh Hiếu nói: “Năm ngoái, một phần do ảnh hưởng của thời tiết, phần do kỹ thuật chưa tốt nên tỷ lệ quả loại 1 của gia đình tôi đạt 1/3 tổng sản lượng, giá bán bình quân chỉ được 25 nghìn đồng/kg”. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay anh điều chỉnh cách chăm sóc. Thời điểm cây bắt đầu ra quả non, ngày ngày anh bám vườn, cắt tỉa để trên cùng một chùm không có quá nhiều quả. Khâu bón phân cho cây được chia thành nhiều đợt. Theo anh Hiếu, nếu bón quá tay, quả bị bộp và nhạt. Dự kiến, nếu không có biến động lớn về thời tiết, anh sẽ thu khoảng 15 tấn cam, trong đó quả loại 1 chiếm hơn 70%.
Theo lãnh đạo xã Hồng Giang, hiện thu nhập chính của nông dân trong xã trông vào vườn đồi. Xã cùng với cơ quan chuyên môn quan tâm tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà vườn. Nhờ được trang bị kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm của các chủ hộ, đến nay cây ăn trái đều cho quả sai, hứa hẹn mang lại thu nhập cao. Với diện tích hơn 200 ha, sản lượng cam Canh của Hồng Giang ước đạt 2 nghìn tấn, tăng khoảng 800 tấn so với năm ngoái.
Đồng hành cùng nhà vườn
Với gần 1,2 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng cam Canh của huyện Lục Ngạn năm nay ước đạt hơn 9 nghìn tấn. Nhằm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng của tỉnh đã tích cực kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp. Qua đó đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc.
Một số hộ tại thôn Đoàn Kết, Trại Cá (xã Tân Quang); thôn Hăng (xã Hồng Giang) đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân. Bằng phương pháp này, chủ vườn chỉ cần bấm nút là phân bón, nước rải đều khắp vườn, tiết kiệm công lao động. Công nghệ tưới nhỏ giọt còn tiết kiệm phân bón, nước tưới từ 30-40%, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu của từng cây, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Từ đó, giảm sử dụng thuốc BVTV, tạo ra nông sản an toàn.
Sát cánh cùng các nhà vườn, đơn vị chuyên môn của huyện có nhiều giải pháp khơi thông thị trường tiêu thụ. Năm nay, lần đầu tiên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện xây dựng điểm 5 ha cam Canh sản xuất theo quy trình VietGAP tại xã Thanh Hải, Tân Mộc. Theo đó, các khâu chăm sóc, nhất là việc sử dụng thuốc BVTV được giám sát chặt chẽ. Cơ quan chuyên môn ở Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu phân tích, dự kiến cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất VietGAP vào đầu tháng 12. Các sản phẩm thuộc mô hình này sẽ được giới thiệu, chào hàng tại một số siêu thị. Một giải pháp khác được huyện chú trọng là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thực tế cho thấy, việc tổ chức tuần lễ vải thiều tại Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích, nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Tiếp nối thành công của sự kiện này, huyện đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội trái cây Lục Ngạn để nhiều người biết đến vùng cây ăn quả của huyện. Cũng từ đây, huyện xây dựng lộ trình phát triển du lịch sinh thái vườn đồi tại địa phương”.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)