Sắc cam trên đất đồi Lục Ngạn
Thu hoạch cam Vinh tại xã Tân Mộc. |
Được biết để chăm sóc cho vườn cam hiệu quả, giảm chi phí mua phân bón, gia đình anh Hậu duy trì chăn nuôi khoảng 150 con lợn lai F1 thương phẩm/lứa (thu lãi cả trăm triệu đồng/năm). Do cây cam được trồng trên đất đồi thoát nước, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên cho chất lượng quả ngon được khách hàng ưa chuộng. Cứ đến vụ thu hoạch, tiểu thương ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hà Nội lại đánh ô tô đến tận vườn thu mua. Nhờ hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi và vườn cam mang lại, gia đình anh Hậu xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm trang thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt, trong đó đã mua được chiếc xe ô tô Fortuner sang trọng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Người có công đầu tiên trong việc đưa cây cam Vinh và cam đường Canh về địa phương trồng thành công trên đất đồi trọc là vợ chồng anh chị Bùi Xuân Sinh, Nguyễn Thị Chiến. Anh Sinh hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn và nguyên là Chủ tịch UBND xã Tân Mộc. Khi còn là cán bộ chủ chốt của xã, vốn là kỹ sư nông nghiệp, anh đã có suy nghĩ phải đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả có múi nhằm nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sau đó tuyên truyền cho bà con học tập làm theo. Qua theo dõi ti vi biết tỉnh Hưng Yên có giống cam Canh và cam Vinh giá trị kinh tế cao, ngay từ năm 2001, anh đã cất công đi mua cây giống và học tập kinh nghiệm về trồng. Cũng phải nếm trải qua ba năm thất bại, đến năm thứ 4 vợ chồng anh mới làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam, nhất là cam đường Canh. 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm vợ chồng anh thu về từ 1- 2 tỷ đồng từ cam và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất giống cây ăn quả có múi.
Giờ đây vợ chồng anh Bùi Xuân Sinh đã trở thành tỷ phú nổi tiếng của huyện Lục Ngạn với 4 vườn cam Canh, cam Vinh, bưởi Da xanh ở các xã Tân Mộc, Quý Sơn và Nam Dương với tổng diện tích gần chục ha. Vụ cam năm nay anh Sinh dự kiến thu khoảng 60 tấn cam Vinh, 30 tấn cam Canh. Anh Sinh phấn khởi: Nơi đây có khí hậu và chất đất phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, trong đó có cây cam. Chất lượng quả cam Lục Ngạn được tiểu thương đánh giá ngon hơn nhiều nơi khác nên vào vụ thu hoạch họ cho ô tô vào tận vườn thu mua.
Có thể thấy, từ việc đưa thành công cây cam Vinh, cam Canh lên đồi của gia đình anh Sinh mà giờ đây cả thôn Đồng Quýt có gần 200 hộ trồng cam. Trong thôn có hơn chục hộ có mức thu từ 1 tỷ đồng/vụ cam trở lên. Theo ông Vũ Duy Giáp, Chủ tịch UBND xã Tân Mộc, những năm qua, cùng với thâm canh nâng cao chất lượng vải thiều thì phát triển cây ăn quả có múi đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân trong xã. Hiện toàn xã có 250/366 ha cam Canh, cam Vinh được thu hoạch. Trung bình mỗi sào cam thu được 1- 2 tấn quả, chỉ tính với giá bán 20 nghìn đồng/kg, doanh thu đã cao hơn rất nhiều so với cấy lúa.
Cam đường Canh Lục Ngạn. |
Một mùa cam mới lại bắt đầu nhộn nhịp trên quê hương Lục Ngạn. Nhiều ý kiến cho rằng nếu các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cam Lục Ngạn thì chắc chắn giá trị của loại cây này sẽ ngày càng nâng lên, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của nông dân trong huyện.
Đức Thọ
Ý kiến bạn đọc (0)