Rà soát cấp phép chuyên gia nước ngoài nhập cảnh
Bốn bộ khác phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng là Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ chiều 11/5.
Khách nước ngoài khai báo thông tin y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài hồi đầu tháng 3/2020. Ảnh: Bá Đô |
Thủ tướng yêu cầu "khắc phục, phê bình, kiểm điểm ngay việc một số địa phương chưa bảo đảm năng lực xét nghiệm, trước hết tại các tỉnh biên giới Tây Nam". Bộ Y tế chỉ đạo trang bị máy, sinh phẩm, kit thử, tập huấn, tăng cường năng lực xét nghiệm các địa phương.
Chính phủ nhận định, so với ba đợt dịch trước, đợt dịch này có độ nguy hiểm cao với nhiều ổ dịch, chủng virus có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, trên phạm vi rộng hơn. Vì vậy, việc kiểm soát khó khăn hơn, gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong một bộ phận nhân dân. "Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc là rất cao và có thể bất cứ lúc nào và nếu xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường".
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị quyết liệt phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời; thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Các ổ dịch hiện có cần giải quyết dứt điểm, không để phát sinh ổ dịch mới.
Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng về phương án và thực tế chuẩn bị tình huống có 30.000 ca Covid-19 trên toàn quốc, tinh thần là "lường tình huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ". Bộ hướng dẫn các địa phương sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, phương tiện, sinh phẩm, hóa chất, thuốc, bệnh viện dã chiến... cho phương án nêu trên. Bộ Tài chính và Y tế ban hành ngay hướng dẫn các địa phương về cơ chế đặc thù về kinh phí, mua sắm trong điều kiện có dịch.
Trước đó, ngày 28/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, ban hành quy định về 5 trường hợp được xem xét nhập cảnh Việt Nam. Cụ thể, với người nước ngoài, diện được xem xét nhập cảnh gồm: chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con); người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con); học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam.
Với công dân Việt Nam, diện được xem xét nhập cảnh gồm: doanh nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài, người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, người hết hạn visa; các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo; các trường hợp đặc biệt khác.
Việc xem xét nhập cảnh với các nhóm nêu trên phải theo kế hoạch được duyệt, phù hợp với năng lực cách ly y tế trong nước. Những người xin nhập cảnh mang tính nhân đạo hoặc đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19.
Đơn vị đứng tên đề nghị xin phép người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với mục đích đề nghị nhập cảnh cho công dân Việt Nam.
Đơn vị đứng tên đề nghị tổ chức chuyến bay thương mại (trọn gói) để đưa đón công dân Việt Nam về nước còn phải có ý kiến đồng thuận bằng văn bản của 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an; văn bản đồng ý tiếp nhận cách ly người nhập cảnh của UBND cấp tỉnh; trình Thủ tướng phê duyệt mới được thực hiện.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)