Quỹ Hỗ trợ nông dân: Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh
BẮC GIANG - Nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, hội nông dân (HND) các cấp đã hướng dẫn hội viên đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ.
Tiếp sức cho nông dân
Quỹ HTND được thành lập trên địa bàn tỉnh từ năm 1996; nguồn vốn liên tục tăng qua các năm. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng, nhanh chóng, thuận lợi; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn; giúp nông dân có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập. Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt hơn 74,3 tỷ đồng, tăng hơn 3,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024; trong đó, vốn T.Ư HND ủy thác gần 16,5 tỷ đồng; còn lại do cấp tỉnh, huyện, xã xây dựng. Đến nay, Quỹ đã giải ngân hơn 74 tỷ đồng cho 1.538 hộ vay thực hiện 364 dự án liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, làng nghề. Phí vay 0,7%/tháng. Thời gian vay tùy từng dự án.
Hộ gia đình bà Trần Thị Nghĩa, thôn Bình Minh, xã Lan Giới (Tân Yên) được vay vốn từ Quỹ HTND để phát triển sản xuất. |
Tại huyện Hiệp Hòa, hiện Quỹ HTND các cấp trên địa bàn huyện đạt gần 10,3 tỷ đồng (nguồn cấp trên ủy thác và của huyện), tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2019. Một số xã, thị trấn chủ động xây dựng nguồn quỹ và ở mức cao như: thị trấn Thắng (hơn 198 triệu đồng), xã Đoan Bái (155 triệu đồng), xã Đông Lỗ (142 triệu đồng), xã Hoàng An (138 triệu đồng)… Từ năm 2019 đến nay, Ban Điều hành Quỹ HTND huyện hướng dẫn, hỗ trợ gần 950 lượt hộ gia đình hội viên vay vốn để thực hiện hơn 100 dự án như: Chăn nuôi bò thương phẩm gắn với bảo vệ môi trường, nuôi cá nước ngọt thâm canh, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây đào cảnh…
Ngày 6/6/2024, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND thông qua chủ trương kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động, phương án cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ HTND tỉnh là 15,5 tỷ đồng, đến năm 2028 là 50,9 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2024-2028, ngân sách Nhà nước bổ sung 35 tỷ đồng. |
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bẩy, thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An là một trong số đó. Năm 2021, anh Bẩy được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND để chăn nuôi bò thương phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ nguồn vay cùng tiền vốn của gia đình, anh mua bò giống, thức ăn và nuôi đều đặn từ 8-10 con mỗi năm; xuất chuồng sau khoảng 6 tháng. Anh Bẩy chia sẻ: “Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn nên việc chăn nuôi cơ bản thuận lợi. Với giá bán trung bình 70 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi lãi từ 50-60 triệu đồng, bảo đảm trả lãi và một phần nợ gốc, cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.
Thông tin từ HND huyện Tân Yên, hiện Quỹ HTND toàn huyện có tổng nguồn vốn hơn 8,7 tỷ đồng. Nhờ kênh dẫn vốn này, hàng trăm lượt hộ hội viên được vay vốn và sử dụng tài chính đúng mục đích để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình cho hiệu quả, được nhân rộng. Đơn cử như mô hình trồng lặc lày (hay còn gọi là mướp mèo, mướp Nhật) của hội viên nông dân xã Lan Giới. Năm 2022, 6 hộ hội viên nông dân của xã được vay mức 50 triệu đồng/hộ để phát triển mô hình nói trên. Cây hợp thổ nhưỡng, thời tiết địa phương, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng, phát triển tốt, cho lãi từ 15-20 triệu đồng/sào. Vụ mùa năm nay, nhiều hộ đã mở rộng diện tích từ 1-3 sào, có đầu ra ổn định.
Định hướng liên kết sản xuất
Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND không nhiều nhưng rất ý nghĩa, nhất là với các hội viên khó khăn có thể xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Quá trình lựa chọn, xây dựng dự án, HND các cấp quan tâm định hướng người dân thực hiện các dự án sản xuất cây trồng, vật nuôi hoặc ngành nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Phương thức cho vay đổi mới từ vay theo chi, tổ hội nông dân chuyển sang vay theo dự án gắn với mô hình tổ liên kết, hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã.
Dẫn chứng ở xã Tiên Lục (Lạng Giang), từ nhiều năm nay, người dân địa phương đã phát triển nghề trồng nấm. Tuy nhiên, các hộ vẫn khó mở rộng quy mô hoạt động vì thiếu vốn. Nắm bắt điều đó, cuối năm 2023, HND xã đã lập dự án sản xuất nấm sò, nấm rơm tươi gắn với xây dựng tổ hợp tác phát triển sản xuất với mục đích giúp hội viên được hỗ trợ vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường. Đến đầu năm 2024, 10 hộ trên địa bàn xã được phê duyệt vay 50 triệu đồng/hộ (từ nguồn quỹ T.Ư ủy thác), thời gian vay trong 2 năm.
Sau khi giải ngân, các hộ sử dụng số tiền vay cộng thêm vốn tự có để mua nguyên liệu, đầu tư mở rộng nhà xưởng và thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Một số dự án khác cũng được phát huy, nhân rộng nhờ vốn vay này như: Mô hình trồng na Thái theo hướng VietGAP (Lục Nam); trồng sâm Nam núi Dành, ổi Đài Loan theo hướng VietGAP, trồng măng lục trúc (Tân Yên); nuôi ong lấy mật (Sơn Động)…
Quá trình thực hiện các dự án, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh trực tiếp thẩm định, giải ngân nguồn quỹ T.Ư HND ủy thác và nguồn quỹ cấp tỉnh; nguồn quỹ cấp huyện do ban điều hành quỹ cấp huyện thẩm định, giải ngân. Các dự án được thực hiện đúng, đầy đủ từng khâu, đầu tư đúng hướng, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch HND huyện Tân Yên chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Quá trình bình xét cho vay, HND huyện phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên hộ có tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm sản xuất, bảo đảm các điều kiện để hoạt động. Đồng thời chú trọng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng nguồn vốn; thường xuyên đánh giá tính khả thi của các dự án; quan tâm nhân rộng các mô hình hiệu quả”.
Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh, thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp HND duy trì hoạt động cho vay của Quỹ gắn với các nhiệm vụ trọng tâm như: Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả; thành lập tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP... Thực hiện việc thu và luân chuyển vốn đúng quy định; giải ngân quay vòng vốn kịp thời; lựa chọn xây dựng các mô hình, dự án phù hợp với lợi thế của địa phương; ưu tiên dự án có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. HND các cấp quan tâm tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp hội viên nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)