Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm soát tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. |
Quy định 114 quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu các cơ quan tham mưu; cán bộ tham mưu trong kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Theo Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý. Từ đó, chấn chỉnh, xử lý kịp thời và nghiêm minh hành vi vi phạm.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải bảo vệ, khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ.
Với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu, Bộ Chính trị yêu cầu chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực cán bộ phụ trách.
Trong Quy định vừa ban hành, Bộ Chính trị quán triệt không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cũng theo quy định mới của Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh: Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
"Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao, phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí", theo quy định của Bộ Chính trị.
Đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý, Bộ Chính trị yêu cầu phải báo cáo Ban Tổ chức Trung để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Quy định 114 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo khi có thông báo nghỉ hưu, thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật… phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ. Với người đứng đầu là cán bộ diện Trung ương quản lý, phải báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương.
Quy định 114 thay thế Quy định số 205 được ban hành từ năm 2019 của Bộ Chính trị.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy định 114 thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý sau: Bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm thì chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định. |
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)