Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự thảo luật
BẮC GIANG - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự thảo luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Tại Tổ thảo luận số 4, đại biểu U Huấn, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum, Tổ phó Tổ thảo luận chủ trì. Cùng dự có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các ĐBQH thuộc 4 đoàn: Hải Phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quang cảnh phiên thảo luận. |
Tham gia phiên thảo luận tổ đã có 9 lượt đại biểu phát biểu. Các ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Việc sửa đổi bổ sung và ban hành các luật bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng, góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng luật.
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận. |
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đồng tình với việc tách các nội dung đang quy định tại Điều 11, Điều 12 về chế độ cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và bổ sung Điều 11a như dự thảo Luật.
Tuy vậy, đại biểu băn khoăn về nội dung sửa đổi bổ sung tại khoản 6, Điều 10 quy định “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này" và khoản 4a Điều 25 về trách nhiệm của Bộ Công an “Quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này”.
Theo quan điểm của đại biểu, nếu dự thảo luật sửa đổi bổ sung các nội dung này thì cần thiết phải bổ sung một khoản mang tính nguyên tắc riêng (“Nguyên tắc công tác cảnh vệ”) vào Điều 5 của Luật hiện hành. Nguyên tắc này liên quan đến bảo vệ quyền con người để bảo đảm việc hướng dẫn của Bộ Công an khi áp dụng các biện pháp cảnh vệ sẽ bảo đảm quyền con người, quyền công dân được quy định tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp 2013.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi phát biểu thảo luận. |
Về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng bố cục dự thảo Luật quá dài, nặng về diễn giải, hướng dẫn hành chính. Dự thảo Luật có 8 chương, 74 điều, trong đó có 26 điều hướng dẫn về văn bản hồ sơ trình tự cùng nội dung và lặp lại nhiều lần. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất nội dung và quy định vào một điều cụ thể mang tính nguyên tắc hướng dẫn hành chính...
Tại điểm đ, khoản 1 Điều 24, dự thảo Luật nêu 2 trường hợp được nổ súng vào phương tiện cơ giới đường bộ… Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ quy định này để bảo đảm lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả hoạt động công vụ trong thực tiễn.
Tiến Hòa
Ý kiến bạn đọc (0)