Quốc hội nghe báo cáo triển khai 2 dự án xây dựng hồ chứa nước lớn
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự án hồ chứa nước sông Than được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 971/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 với tổng mức đầu tư 716,587 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất 801,15 ha nhưng dự án phải tạm dừng do khó khăn về nguồn vốn.
Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 2/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV. |
Năm 2016, do hạn hán xảy ra nghiêm trọng, nhu cầu cấp bách của việc chống hạn, dự án được đưa vào bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Năm 2017, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 855 tỉ đồng.
Mục tiêu của dự án: Cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn, cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7/2018, đến nay đã triển khai xây dựng khoảng 35% khối lượng công việc.
Dự án có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 100,63 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Vì vậy, Chính phủ đã có báo cáo số 455/BC-CP ngày 5/10/2020 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 về tình hình thực hiện dự án là tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công.
Việc Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 100,63 ha rừng phòng hộ để thực hiện dự án là đúng quy định; vị trí rừng phải chuyển đổi của dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình.
Về trồng rừng thay thế, dự án đã có phương án trồng rừng thay thế được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt tại Quyết định số 2244 năm 2018; đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo việc trồng rừng thay thế với diện tích 595 ha.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết “sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than, sẽ phê duyệt kinh phí trồng rừng thay thế bổ sung theo quy định của Luật Lâm nghiệp”.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 431,76 ha rừng (gồm rừng phòng hộ 100,63 ha; rừng sản xuất 309,48 ha; diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng 21,65 ha) để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận.
Còn dự án hồ chứa nước Bản Mồng được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 154/TTg-NN ngày 20/1/2006; Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt dự án đầu tư năm 2009 và được khởi công năm 2010 nhưng đến năm 2011, dự án tạm dừng do Chỉ thị số 1792/CT-TTg.
Năm 2017, dự án được bố trí vốn trở lại trong trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện và được Chính phủ cho phép phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I với tổng mức đầu tư là 4.455 tỉ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ: 3.744 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp: 711 tỉ đồng).
Mục tiêu của dự án: Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (tưới 18.871 ha), cấp nước cho công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả với lưu lượng 22 m3/s và cho 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du là Nam và Bắc Nghệ An; kết hợp phát điện (45 MW); tích nước phòng lũ, giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch.
Đến nay, dự án đã triển khai xây dựng được khoảng 90% khối lượng công việc; lũy kế giải ngân đạt 83% và dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành giai đoạn I.
Dự án có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 312,95 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Vì vậy, Chính phủ đã có báo cáo số 462/BC-CP ngày 5/10/2020 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 về tình hình thực hiện dự án là tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi là 662,55 ha đều thuộc loại rừng nghèo, nghèo kiệt; vị trí rừng tự nhiên phải chuyển đổi của dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình.
Về trồng rừng thay thế để thực hiện dự án. Trong hồ sơ dự án, các tỉnh đều xây dựng phương án trồng rừng thay thế bằng việc nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để trồng rừng tại địa phương, đã tuân thủ nghiêm túc, đáp ứng các quy định của pháp luật.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1.131,22 ha đất rừng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An (544,77 ha) và Thanh Hóa (586,45 ha), trong đó: 312,95 ha rừng phòng hộ, 661,08 ha rừng sản xuất và 157,19 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp để thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An
Theo Lao động
Ý kiến bạn đọc (0)