Quan tâm rà soát, bố trí cơ sở vật chất, giáo viên cho các trường THPT
Các đại biểu dự phiên họp. |
Cùng dự có các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe đại diện các sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình về một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh đã khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo năm học 2021-2022, năm học 2022-2023 đối với các trường THPT và trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh.
Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, các trường THPT và trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn như: Đội ngũ giáo viên giảng dạy còn thiếu; cơ sở vật chất, trường lớp học mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho dạy và học, so với chuẩn mới thì đa số không đạt về diện tích; trang thiết bị phục vụ giảng dạy...
Đồng chí Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình tại phiên họp. |
Giải trình về việc thực hiện giảng dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 còn nhiều khó khăn, các trường rất lúng túng trong việc định hướng, tư vấn để học sinh lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp, sắp xếp đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy để bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp, đồng chí Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên cấp THPT triển khai Chương trình GDPT. Điều này đòi hỏi các trường phải căn cứ vào thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, định hướng các tổ hợp môn học lựa chọn để tư vấn cho học sinh chọn đúng và phù hợp với khả năng học tập.
Cơ bản các nhà trường đưa ra nhiều cách lựa chọn tổ hợp các môn, tuyên truyền đến học sinh và gia đình học sinh trên các nhóm Zalo, Facbook về dự kiến của trường. Đối với việc sắp xếp đội ngũ giáo viên, Sở đã hướng dẫn các nhà trường căn cứ vào đội ngũ hiện có, năng lực chuyên môn của giáo viên, kiến thức và kỹ năng phù hợp để giảng dạy ở các lớp học.
Giải trình ý kiến về việc đa số các giáo viên nghề của các trung tâm không được tham gia giảng dạy, chủ yếu làm công tác quản lý lớp gây lãng phí nguồn lực, đồng chí Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 trung tâm GDNN-GDTX. Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp thì nhà giáo GDNN là viên chức của các Trung tâm GDNN-GDTX không được phép tham gia giảng dạy đối với những lớp đào tạo trình độ trung cấp mà chỉ được phép tham gia giảng dạy ở những ngành nghề phù hợp trình độ sơ cấp mà đơn vị mình được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Đồng chí Mai Sơn nêu ý kiến. |
Làm rõ hơn những kết quả của ngành giáo dục tỉnh, đồng chí Mai Sơn cho biết: Bắc Giang hiện có 94,5% trường học đạt chuẩn quốc gia, dự kiến đến cuối năm đạt 95%; về kiên cố hóa trường lớp học, tỉnh đang đạt 96%.
Về chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh hiện có hai chỉ số đều tăng hơn so với cả nước 5%, đó là chỉ số lao động qua đào tạo đạt 74% và chỉ số lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ nghề đạt 33%. Đây cũng chính là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh thời gian qua.
Đồng chí đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục rà soát những khó khăn vướng mắc đối với việc triển khai Chương trình GDPT để có căn cứ gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Kết luận nội dung này, đồng chí Lâm Thị Hương Thành đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung huy động, lồng ghép nguồn lực các chương trình mục tiêu, dự án, đề án để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới và xây dựng trường chuẩn quốc gia theo quy định. Bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN; kinh phí xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành kết luận phiên họp. |
Tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Quan tâm, bố trí đủ giáo viên văn hóa cho trung tâm GDNN-GDTX các huyện tối thiểu bảo đảm quy định để thực hiện chương trình GDPT mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở liên quan, UBND các huyện, TP quan tâm phối hợp rà soát, sắp xếp hệ thống các trường phổ thông, biên chế của ngành giáo dục, bố trí nguồn lực cho giáo dục và việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của cấp trên về lĩnh vực giáo dục.
Phối hợp với các sở: Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài chính tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của các trung tâm GDNN-GDTX, tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm tập trung trang thiết bị giáo dục để các cơ sở giáo dục sớm có trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Cũng trong phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh đã xem xét, thống nhất nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIX.
Theo đó, dự kiến kỳ họp thứ 12 được tổ chức vào 12/9/2023. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua một số dự thảo nghị quyết quan trọng như: Đồ án Quy hoạch chung TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045; Đồ án Quy hoạch chung đô thị Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045; Điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất; dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang các mục đích khác năm 2023...
Ý kiến bạn đọc (0)