Quản chặt nhưng không "ngăn sông, cấm chợ"
Bố trí lực lượng cắm chốt
Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 thuộc địa bàn xã Lương Phong, gần khu vực cổng Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong trên tuyến quốc lộ 37 không khí làm việc tập trung cao. Khu vực này giáp với huyện Việt Yên nên người và phương tiện khi qua đây phải đáp ứng đủ điều kiện y tế theo quy định trong phòng, chống dịch. Chị Nguyễn Thị Trinh (SN 1990), ở xã Hoàng Vân có 12 năm làm việc tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong.
Lực lượng chức năng phun hóa chất khử khuẩn tại chốt kiểm dịch địa bàn xã Lương Phong. |
Từ khi huyện thiết lập cách ly xã hội, chị tuân thủ nghiêm khuyến cáo đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, hạn chế ra ngoài không cần thiết. Hằng ngày đều đặn sáng và chiều chị Trinh hai lần đi qua chốt và đều thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, trình thẻ công nhân do Công ty cấp với cán bộ trực chốt, sau chừng 5 phút là xong thủ tục. “Việc dừng lại khai báo y tế tuy mất thời gian nhưng đây là biện pháp cần thiết để hạn chế nguồn lây. Để không ảnh hưởng đến giờ làm việc tại Công ty, tôi chú ý đi làm sớm hơn một chút”, chị Trinh nói.
Còn ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại chân cầu Đông Xuyên, địa phận thôn Mai Hạ, xã Mai Đình trên đường tỉnh 295, giáp với huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh dù thời tiết nắng nóng song lực lượng trực chốt ở đây luôn bảo đảm ứng trực 24/24 giờ.
Đại úy Ngô Văn Hảo, Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Hiệp Hòa cho biết: "Trung bình mỗi ngày tại đây có 110-150 phương tiện giao thông qua lại, chủ yếu là người dân các xã trong huyện chở nông sản đi bán ở tỉnh Bắc Ninh, TP Hà Nội, xe chở công nhân từ tỉnh ngoài vào huyện làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú. Chúng tôi cho các phương tiện chở nguyên vật liệu xây dựng, xe đưa người làm công vụ, phòng, chống dịch, chở lương thực thực phẩm, nông sản của bà con đi qua song phải kiểm tra sức khỏe, ghi rõ lịch trình. Không cho đi qua những trường hợp không đủ điều kiện yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy vậy có nhiều người dân không hiểu cho rằng huyện “ngăn sông, cấm chợ” gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của người dân nên chúng tôi phải giải thích cho nhân dân hiểu".
Tăng cường kiểm tra
Kiểm soát phương tiện qua lại tại chốt kiểm dịch khu vực chân cầu Đông Xuyên, xã Mai Đình. |
Ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định cách ly xã hội đối với toàn huyện, cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm thực hiện với mục tiêu truy vết thần tốc, sớm khoanh vùng dịch, chốt chặn phòng dịch không để mầm bệnh lây lan ra cộng đồng và sang địa phương khác. Đến ngày 7/6, toàn huyện có 63 trường hợp F0, 817 trường hợp F1, hơn 7 nghìn trường hợp F2, thiết lập 25 vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội tại 21 thôn của 12 xã, thị trấn; lập 65 chốt ra vào các tuyến đường thuộc địa phận các xã, 6 chốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cửa ngõ ra, vào huyện. Cùng đó bố trí 1 nghìn người thuộc các lực lượng: Công an, y tế, quân đội, tình nguyện viên... thực hiện nghiêm việc kiểm soát các phương tiện ra vào địa bàn.
Đến ngày 7/6, toàn huyện có 63 trường hợp F0, 817 trường hợp F1, hơn 7 nghìn trường hợp F2, thiết lập 25 vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội tại 21 thôn của 12 xã, thị trấn; lập 65 chốt ra vào các tuyến đường thuộc địa phận các xã, 6 chốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cửa ngõ ra, vào huyện. |
Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch huyện Hiệp Hòa cho biết: "Khi UBND tỉnh có quyết định thiết lập cách ly xã hội đối với huyện, nhiều người không hiểu lại cho rằng huyện "ngăn sông, cấm chợ", cản trở hoạt động lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất tuy nhiên thực tế không như vậy. Thường trực Huyện ủy đã tổ chức các đoàn kiểm tra, tuyên truyền phổ biến nhắc nhở cán bộ các chốt thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không gây khó khăn cho nhân dân và bảo đảm yêu cầu phòng dịch".
Tại các xã, thị trấn cũng tăng cường phân công thành viên ban chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất các điểm chốt, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các phương tiện bảo đảm đủ điều kiện theo quy định về y tế trong chống dịch, ưu tiên các loại xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đi lại.
Anh Hoàng Văn Thám, cán bộ y tế xã Quang Minh đang tăng cường làm nhiệm vụ tại xã Hương Lâm cho biết: Thời gian qua, cấp tỉnh và huyện liên tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện cách ly xã hội, các phương tiện được qua chốt kiểm soát dịch bệnh nên cán bộ thường xuyên cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với quy định, tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã xử lý 64 trường hợp vi phạm với số tiền 164 triệu đồng. Hiện nay, huyện tiếp tục yêu cầu Công an huyện, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch. Cơ quan chức năng tham mưu với Chủ tịch UBND huyện phê bình người đứng đầu chính quyền cơ sở không thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)