Phụ nữ Thái làm du lịch cộng đồng
Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm với gia đình chị Chung ở xã Nghĩa Lợi. Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh |
Đến với Mường Lò, du khách không thể không đến với gia đình nhà chị Lường Thị Chung, ở bản Chao Hạ I, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, là gia đình có tiếng về làm du lịch cộng đồng với tour du lịch cộng đồng “Ẩm thực nhà sàn”.
Nắm bắt thực tế nhu cầu của khách du lịch lên Tây Bắc là khám phá bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vùng cao, gia đình chị Chung đã chú trọng việc giữ gìn và bảo tồn các bản sắc văn hóa dân tộc Thái, bài trí không gian gia đình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; đặc biệt là ẩm thực nhà sàn. Chị đã lên “thực đơn” chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc như: Pa pỉnh tộp, thịt trâu sấy, các món thịt nướng, rau rớn, rau ban, xôi ngũ sắc. Chị Chung đã tự mình giới thiệu cho khách du lịch về từng món ăn.
Các món rau cũng cũng được chị Chung giới thiệu không kém phần hấp dẫn. Rau cải nương ngọt dịu. Bẹ chuối rừng bùi bùi đậm đà. Rêu đá nấu canh hay trộn gia vị rồi nướng đều vô cùng hấp dẫn. Món hoa ban nấu canh hoặc xào đều ngọt ngào và thơm dịu. Rêu đá và hoa ban là hai món ăn truyền thống của người Thái được dùng trong lễ cưới, chuyên chở cả câu chuyện tình chung thủy và khát vọng ấm no, hạnh phúc của dân tộc Thái. Khách Tây nào cũng ồ lên tán thưởng, gật gật đầu “ok, ok”. ... Nhờ vậy, địa điểm du lịch của gia đình chị ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. Hàng năm, gia đình chị Lường Thị Chung đã đón trên 400 lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Ở bản Đêu II, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, mọi người biết đến gia đình chị Hoàng Thị Phượng là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng. Chị Phượng cũng đã đầu tư cải tạo lại ngôi nhà sàn của mình. Không cầu kỳ đầu tư phòng nghỉ khép kín hiện đại như khách sạn, gia đình chị chỉ đầu tư mua chăn đệm, trải ngay xuống sàn nhà để khách nghỉ. Chị bảo, đi nhiều nơi, tham khảo nhiều cách làm du lịch trong và ngoài nước, anh chị cũng nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là muốn được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương.
Chuyện những người phụ nữ Thái đứng ra làm du lịch cộng đồng đã không còn xa lạ ở Mường Lò nữa. Riêng xã Nghĩa Lợi có 13 phụ nữ ở bản Sà Rèn và Chao Hạ 1 đứng ra đăng ký thực hiện theo dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới” với tổng kinh phí 260 triệu đồng. Các hộ nằm trong diện dự án là những hộ cơ bản còn giữ nguyên vẹn các bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt và kiến trúc của dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò, có kiến thức làm du lịch và mong muốn được làm du lịch.
Ngoài ra, nhà sàn của các hộ phải có diện tích sử dụng từ 70-150m2, có khuôn viên thoáng, rộng, có vườn cây ao cá, không gian trong lành để hỗ trợ đầu tư các hạng mục phụ trợ phục vụ cho du lịch. Các hộ tham gia dự án đã khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, chế tác nhạc cụ dân tộc; truyền dạy chế biến các món ăn ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái, để tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Khó có thể nói hết được nếu bạn chưa đến với Mường Lò, được nghe những bài hát (khắp mơi lẩu - tiếng Thái), được ăn một bữa ăn đặc trưng của dân tộc Thái và hòa cùng những cung bậc vui tươi, trong trẻo của đàn tính nảy lên cùng tiếng rừng du dương huyền bí. Tất cả cộng hưởng, thăng hoa đem lại cho du khách những phút giây sảng khoái. Điều còn đọng lại ở mỗi du khách khi đến với Mường Lò là hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Thái “thắt đáy lưng ong” đảm đang, tự tin, sáng tạo trong cách làm du lịch cộng đồng, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, vừa gìn giữ những nét văn hóa truyền thống dân tộc Thái Mường Lò.
Theo VnMedia
Ý kiến bạn đọc (0)