Phong tục thú vị của những nước châu Á đón Tết cùng Việt Nam
Trung Quốc
Tưng bừng đón năm mới ở Trung Quốc. |
Đây gần như là cái nôi của văn hóa Tết Âm lịch. Theo truyền thuyết Trung Quốc, cứ vào ngày cuối cùng mỗi năm sẽ xuất hiện một con quái vật chuyên quấy phá dân lành. Người dân phát hiện rằng con quái vật này sợ màu đỏ và tiếng ồn. Chính vì thế hằng năm, người Trung Hoa trang trí nhà bằng những câu đối, đèn lồng đỏ và đốt pháo để cầu mong cho năm mới an lành, sung túc. Từ ngày 8-12 âm lịch hằng năm, người Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị cho Tết, khắp phố phường tràn ngập những đồ trang trí, quần áo nhiều sắc màu. Bên cạnh đó, họ cũng dọn dẹp nhà cửa như một cách để giải xui cho năm mới.
Loại bánh cổ truyền không thể thiếu là bánh tổ, làm từ gạo nếp loại tốt, với độ kết dính cao. Thức quà này có ý nghĩa rằng người thân trong gia đình sẽ luôn kết dính, đoàn tụ bên nhau. Vào ngày Tết, người Trung Quốc cũng có khay bánh kẹo mời khách với 6 hoặc 8 ngăn tương ứng với ý nghĩa tài lộc, còn được gọi là "khay sum họp". Người Trung Hoa còn có phong tục tặng kèm một túi cam, quýt với phong bao lì xì. Bởi màu vàng và đỏ tượng trưng cho giàu sang, may mắn.
Hàn Quốc
Lễ nghi đón năm mới ở Hàn Quốc. |
Người dân Hàn Quốc có phong tục dọn nhà trong ngày cuối năm. Họ để trước cửa nhà một cái xẻng bằng rơm với ý nghĩa hốt lại thóc gạo rơi vãi và tài lộc cho năm mới. Đêm 30, họ tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Sau đó, họ diện bộ hanbok truyền thống hoặc những trang phục đẹp nhất để làm nghi lễ thờ cúng tổ tiên rồi đón giao thừa.
Không giống các nước khác, mâm cỗ cúng tổ tiên của người Hàn thường có tới 20 món như cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, hồng khô… Nhưng không thể thiếu 3 món bánh gạo, ttol-kuk (một loại phở) và kim chi. Ba món ăn này mang ý nghĩa đem lại may mắn và sự gắn kết các thành viên trong gia đình.
Vào sáng mùng 1, nghi lễ cúng tổ tiên lại được diễn ra với người cử hành là con trai trưởng. Sau đó, con cháu vái lạy ông bà, cha mẹ và lần lượt được nhận lì xì hoặc những món quà ý nghĩa phụ thuộc vào vị thế trong gia tộc.
Singapore
Tại Singapore, người dân rất coi trọng ngày Tết Nguyên Đán. Nơi diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, là điểm thu hút khách du lịch bậc nhất ở châu Á. Vào ngày 23 tháng Chạp, người dân Singapore cũng đốt hình nhân để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Một điều đặc biệt là trên môi của hình nhân được phết mật ong, đường hoặc rượu để các ông bẩm báo những điều ngọt ngào với Ngọc Hoàng.
Không khí đón năm mới ở Singapore. |
Điểm nhấn của ngày lễ này là bữa cơm đoàn viên đêm giao thừa. Dù bận rộn thế nào thì các thành viên trong gia đình cũng không thể vắng mặt trong bữa ăn này. Sau đó, các gia đình cũng đi thăm hỏi người thân, họ hàng. Ở đất nước này, các nghi lễ được tổ chức rất rình rang, đặc biệt phải kể đến Lễ hội Hoa Đăng với đèn lồng được treo khắp các con phố; Lễ hội Chingay diễu hành trên đường phố; Sự kiện River Hongbao hay còn được gọi là lễ hội lì xì.
Mông Cổ
Đón năm mới ở Mông Cổ. |
Cùng đón Tết như ở Việt Nam, nghi thức diễn ra trước đêm giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch bát đũa bằng sữa ngựa.
Vào thời khắc chuyển giao năm mới, họ thực hiện nghi lễ uống trà. Chén đầu tiên được vẩy ra tứ phía, chén thứ hai mời chủ nhà, sau đó lần lượt tới các thành viên trong gia tộc. Trong 3 ngày Tết, họ chỉ mặc trang phục truyền thống và tập trung tại nhà của người già nhất trong vùng để cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Món ăn đặc trưng của người mông cổ là các món được làm từ sữa, bánh bao, thịt dê, thịt ngựa, sữa ngựa. Trên mâm cơm truyền thống sẽ không thể thiếu món thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn.
PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)