Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Xây dựng điển hình, lan tỏa thi đua
Cán bộ, đảng viên làm trước
Tìm hiểu về Phong trào, bà Nguyễn Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) phấn khởi chia sẻ: "Điều chúng tôi tâm đắc, hài lòng nhất đó là qua thực hiện phong trào, quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn phường đã thực sự đi vào cuộc sống. Đây là sự thay đổi lớn về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn phường".
Trao giấy chứng nhận kết hôn theo mô hình "Đám cưới văn minh, tiết kiệm" ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). |
Được biết, phường Trần Nguyên Hãn có hơn 13 nghìn nhân khẩu với gần 3.300 hộ, chia thành 13 tổ dân phố. Trước khi thực hiện Đề án số 03 ngày 3/5/2019 của UBND TP Bắc Giang về tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, đơn vị đã đi đầu triển khai thực hiện mô hình "đám cưới văn minh, tiết kiệm".
Các đôi bạn trẻ sau khi làm thủ tục đăng ký kết hôn được mời lên khán phòng với đầy đủ khánh tiết của một đám cưới để trao giấy chứng nhận. Nghi lễ diễn ra trang trọng, thiêng liêng; cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống. Phường chuẩn bị sẵn phần quà trao tặng, có lãnh đạo phát biểu, trao thư chúc mừng.
Đám cưới tổ chức trong một ngày, tại nhà văn hóa; khách mời không quá 240 người; không dùng thuốc lá mời khách. Ba năm qua, trên địa bàn phường có khoảng 40 đám cưới tổ chức theo mô hình này. Từ chỗ làm điểm đến nay TP Bắc Giang đã nhân rộng mô hình này ra nhiều phường, xã.
Đối với việc tang chỉ dùng loa thùng, âm lượng vừa phải, các hủ tục rườm rà như đi giật lùi, chèo đò, rắc vàng mã... được xoá bỏ; giới thiệu khách đến viếng không dài dòng, viếng theo vòng hoa luân chuyển, không tổ chức mời khách ăn. "Để làm được điều đó, chúng tôi vận động gia đình đảng viên, trưởng các ngành, đoàn thể gương mẫu làm trước. Các gia đình, tổ dân phố làm tốt đều được biểu dương trên loa truyền thanh phường", bà Yến cho biết thêm.
Thực hiện Phong trào, thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) đã 20 năm liên tục được công nhận danh hiệu văn hóa. Điểm sáng nổi bật ở đây là bà con đoàn kết, sống hòa thuận, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động.
Phong trào làm đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao được người dân nhiệt tình hưởng ứng, nhiều gia đình tự nguyện đóng góp ngày công, ủng hộ tiền để các công trình hoàn thành vượt tiến độ.
Ông Trần Quang Quyền, từng làm Bí thư Chi bộ thôn gần 20 năm chia sẻ: "Khi triển khai nhiệm vụ, thôn luôn bảo đảm có sự bàn bạc, thống nhất giữa bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận.
Sau đó, lấy ý kiến công khai, dân chủ ở các cuộc họp, hội nghị trên tinh thần vì lợi ích của nhân dân. Các khoản đóng góp đều được công khai, minh bạch, do đó luôn được nhân dân ủng hộ".
Tạo động lực phấn đấu
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, 20 năm qua, Phong trào đã được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Phong trào đã trở thành nền tảng vững chắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.618 thôn, tổ dân phố văn hóa (chiếm tỷ lệ 76 %), trong đó có 938 thôn, tổ dân phố văn hóa giữ vững danh hiệu văn hóa từ 5 năm liên tục trở lên. |
Thành quả ấy thể hiện rất rõ khi kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày một nâng lên, hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm xây dựng từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng cao.
Trung bình, mỗi năm toàn tỉnh có gần 400 gia đình văn hóa được UBND cấp huyện biểu dương khen thưởng; hơn 6 nghìn gia đình văn hóa tiêu biểu được UBND cấp xã và cộng đồng dân cư biểu dương, khen thưởng trên các lĩnh vực như làm kinh tế giỏi, hiến đất làm đường, hiếu học, từ thiện, nhân đạo…
Đến nay, 122/184 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (đạt 66,3%) và 22/25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 88%).
Không chỉ ở các địa phương, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào. Các nội dung như: Thi đua lao động sản xuất; thực hiện tốt các quy định về văn hóa công sở, không uống rượu, bia trong ngày, giờ làm việc; nêu cao vai trò, chức trách của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao…
Được thực hiện khá nghiêm túc, đạt kết quả tốt. Năm 2020, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 73%.
Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Công tác gia đình tỉnh, bài học kinh nghiệm chính rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào là đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Phong trào vào chỉ tiêu thi đua, tạo động lực phấn đấu.
Công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa phải bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy trình. Cùng đó, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Coi trọng bồi dưỡng các nhân tố mới, lấy điển hình tiên tiến để nhân rộng.
Công Doanh
Kinh nghiệm từ thực tiễn Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Bắc Giang tích cực hưởng ứng, thực sự đi vào cuộc sống. Dưới đây là cách làm, kinh nghiệm của các điển hình trong thực hiện phong trào. Ông Nguyễn Đức Cam, Trưởng thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng): Phát huy vai trò các tổ liên gia Thôn Đông Thượng có gần 200 hộ với gần 800 khẩu. Đến nay thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, người dân đóng góp hàng tỷ đồng, hàng nghìn m2 đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, mở rộng, kiên cố hóa đường giao thông. Nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội từng bước loại bỏ. Có được kết quả tích cực này là do cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi đảng viên nhận giúp đỡ từ 5 đến 7 hộ thực hiện các tiêu chí đã đăng ký thi đua xây dựng đời sống văn hóa. Các xóm ngõ thành lập tổ liên gia (thôn có 13 tổ) cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề; nuôi dạy con cái; bảo vệ môi trường... Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất (Lạng Giang): Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Hiện doanh nghiệp (DN) tạo việc làm cho hơn 190 lao động với thu nhập từ 8 đến 14 triệu đồng/tháng. Nhằm xây dựng “DN đạt chuẩn văn hóa”, đơn vị xây dựng nội quy lao động; thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, áp dụng mô hình 5S “Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng” trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ban lãnh đạo công ty xây dựng tủ sách pháp luật đặt tại văn phòng với nhiều tài liệu liên quan đến chế độ chính sách cho người lao động; xây dựng hệ thống loa truyền thanh tại đơn vị. Công đoàn đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đoàn viên, người lao động thực hiện nếp sống văn minh và đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật... Kịp thời biểu dương khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Qua đó xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cho người lao động trong DN. Ông Nguyễn Văn Quang, Tổ dân phố Đình Giã, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên): Tạo sự gắn kết trong gia đình Là cán bộ nghỉ hưu, sống chung 3 thế hệ nên vợ chồng tôi thường động viên con cháu phải tôn trọng nhau, “kính trên, nhường dưới”. Mỗi thành viên trong gia đình phải luôn giữ đúng vị trí, vai trò của mình. Vợ chồng tôi luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm, là chỗ dựa, sợi dây gắn kết các thành viên, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình tôi tích cực cùng nhân dân tổ dân phố thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; vận động nhân dân trong tổ dân phố tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất, đóng góp tiền, ngày công xây dựng các tuyến đường bê tông trong khu khang trang, sạch đẹp góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa điển hình “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Anh Việt |
Ý kiến bạn đọc (0)