Phòng ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Đồng chí Lê Thị Nga phát biểu tại hội thảo. |
Dự hội thảo có các đồng chí: Lê Thị Nga, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; đại diện Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước; các thành viên Ủy ban Tư pháp; cố vấn khu vực về phòng, chống tham nhũng, Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương.
Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Thị Nga cho rằng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, khả thi, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu chào mừng hội thảo. |
Tuy nhiên, thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cho thấy, chất lượng xây dựng một số văn bản chưa cao, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, “cài cắm” lợi ích cục bộ vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình thực hiện có lúc còn chưa nghiêm; ý thức, trách nhiệm của một số người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có chức năng tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật chưa cao…
Để góp phần làm rõ hơn về thực trạng, nhận diện các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Tư pháp phối hợp với UNODC tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.
Thông qua hội thảo góp phần giúp Ủy ban Tư pháp cụ thể hóa nhiệm vụ tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; dự kiến trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm 2023.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu nêu rõ, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Giang luôn nỗ lực, phấn đấu vươn lên phát triển mạnh mẽ, nằm trong nhóm các tỉnh, TP phát triển khá trong cả nước.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của các cơ quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu tình hình mới, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa XIII yêu cầu: Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản cần lấy ý kiến tham gia đóng góp của các cấp ủy, tổ chức, cơ quan liên quan và cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Đồng thời, yêu cầu Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu thực tiễn ở địa phương, đề ra các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trọng tâm là chính sách thu hút đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; tăng cường phân cấp phân quyền gắn với huy động nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng thực thi chính sách; giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh, để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách… nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, khả thi, ổn định, minh bạch.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, UBND tỉnh xem xét ban hành trên 100 văn bản quy phạm pháp luật; các nghị quyết, quyết định này đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội tạo động lực cho phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Đoàn ĐBQH tỉnh tăng cường hoạt động giám sát công tác triển khai và thực thi pháp luật ở địa phương; phối hợp với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức đa dạng các hình thức để lấy ý kiến của các ĐBQH, cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia và nhân dân tham gia góp ý vào các dự án luật trình tại các kỳ họp Quốc hội.
Việc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo tại Bắc Giang là cơ hội tốt để tỉnh Bắc Giang học hỏi và lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo trong việc đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội để Bắc Giang có điều kiện giao lưu, quảng bá về tiềm năng, thành tựu của tỉnh với bạn bè trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp trình bày tham luận. |
Trong thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu có nhiều tham luận tập trung vào: Cơ chế phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham mưu xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp và thông qua hoạt động thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kinh nghiệm quốc tế liên quan đến cơ chế phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham gia ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam và thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kiến nghị và giải pháp...
Ý kiến bạn đọc (0)