Phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em trong thời gian nghỉ học
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2020, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.800 bệnh nhân do tai nạn thương tích tại nhà.
Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có nhiều trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau bị tai nạn thương tích, chủ yếu là bỏng do điện giật, củi lửa, gãy tay, chân, thậm chí chấn thương sọ não...
Điện có thể gây tai nạn thương tích nghiêm trọng cho trẻ. |
Các y, bác sĩ tại khoa luôn trong tình trạng tập trung cao độ để tiếp nhận nhiều ca bệnh mới và điều trị những ca bệnh phức tạp.
Chị L.T.T.H (ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, con gái chị gần 2 tuổi nhưng đã phải tháo khớp ngón trỏ bàn tay phải. Nguyên nhân là do trong lúc gia đình dời ổ điện để cắm quạt máy, người lớn không để ý nên bé đã vô tình nhét ngón tay vào ổ điện. Hậu quả khiến ngón tay của bé bị hoại tử toàn bộ, các bác sĩ phải tháo khớp ngón tay cho bé.
Tương tự, bệnh nhi N.V.A (5 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) bị chấn thương sọ não đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Người nhà bệnh nhi cho biết, trong lúc chơi đùa, bé bị té ngã trong nhà bị chấn thương sọ não tụ máu phải mổ.
Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 40 trẻ ở mọi lứa tuổi và nhiều loại chấn thương khác nhau. Trong đó, các bệnh nhi bị chấn thương do ngã, bỏng chiếm đa số và khá nặng, nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề.
Tùy thuộc vào từng lứa tuổi mà các tai nạn thương tích trẻ gặp phải cũng khác nhau. Cụ thể, trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi thường bị bỏng do lửa, điện, nước sôi; lứa tuổi 6 - 10 tuổi thường bị tai nạn do tiếp xúc với môi trường bên ngoài như gãy tay, chân vì leo trèo, tai nạn giao thông.
Đặc biệt, lứa tuổi dậy thì (14 - 15 tuổi) thường bị tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng như sọ não, ngực, bụng, gãy tay, chân…
Đang trong thời điểm học sinh ở các cấp học được nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải hết sức quan tâm đến an toàn của trẻ em, tránh tai nạn thương tích.
Trẻ ở lứa tuổi nhỏ cần có người lớn chăm sóc; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ…
Trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 dễ bị tai nạn thương tích nhất vì thường tò mò, thích khám phá những điều xung quanh, hay gặp phải những tai nạn như bỏng nước sôi, than, điện giật, ngã, ngộ độc... Các bậc phụ huynh cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, luôn có người theo dõi, trông trẻ, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức về xử lý tai nạn thương tích ở trẻ vì trong thực tế đã có những trường hợp do xử trí sai mà tình trạng bệnh của trẻ ngày càng nặng hơn.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)