Phò mã họ Thân động Giáp qua những trang sử
Rước kiệu tại hội đền Hả. Ảnh: Việt Hưng |
Trong đó, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn, tồn nghi về địa điểm động Giáp, đóng góp của Phò mã Thân Cảnh Phúc trong cuộc phá/kháng Tống, thậm chí ngờ vực có hay không các phò mã họ Thân trong lịch sử. Qua những tư liệu của các sử gia Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi hy vọng phần nào giải đáp băn khoăn đó.
Đã gần 70 năm kể từ lần ấn hành đầu tiên (1949), cuốn sách “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý” vẫn là một công trình mẫu mực trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhất là với cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược ở thế kỷ XI. Trong sách, người biên soạn - học giả Hoàng Xuân Hãn đã xác định địa điểm động Giáp: “Nội trong các dân khê động trên đất Lý, họ Thân chiếm một địa vị đặc biệt… Ấy là dân động Giáp, thuộc Lạng Châu. Họ Thân ba đời làm phò mã dưới triều Lý. Nguyên họ Giáp, sau đổi ra họ Thân… Động Giáp chắc ở phần phía bắc Bắc Giang ngày nay, phía nam ải Chi Lăng. Đất này là chỗ quan yếu. Nó chặn con đường lớn nhất từ Ung Châu đến nước ta. Mà đối với trại Vĩnh Bình của Tống thì có các đèo ải rất hiểm thuộc huyện Quang Lang che chở. Muốn qua huyện ấy phải qua hai ải rất hiểm: Ải Quyết Lý kề phía bắc Ôn Châu ngày nay và ải Giáp Khẩu, tức Chi Lăng phía Nam châu Ôn…”(tr. 78).
Đó là những dự đoán mang tính chỉ báo từ hơn 70 năm trước, hiện nay, qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực địa (vùng Bắc Giang, Lạng Sơn) và kết quả khai quật khảo cổ học tại di chỉ Cầu Từ, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (2006, 2007), các nhà khoa học đã phát hiện dinh thự của quý tộc địa phương thời Lý và xác định Cầu Từ chính là thủ phủ của các phò mã họ Thân động Giáp thế kỷ XI.
Các phò mã họ Thân, ba đời làm Châu mục Lạng Châu ở vùng động Giáp không được ghi rõ trong sử Việt nhưng được ghi khá rõ trong sách Mộng Khê bút đàm của Sử gia Thẩm Quát nhà Tống (Trung Quốc): “Giáp động là bộ lạc lớn. Chủ động tên là Giáp Thừa Quý, lấy con Lý Công Uẩn rồi đổi ra họ Thân. Con Thừa Quý là Thân Thiệu Thái lại lấy con gái Đức Chính (Thái Tông). Con Thiệu Thái là Cảnh Long lại lấy con Nhật Tôn (Thánh Tông)”.
Như vậy, các phò mã họ Thân vùng động Giáp đã rõ ràng. Tư liệu này là khách quan, nguồn tư liệu xuất xứ không phải từ sử Việt mà do sử gia nhà Tống viết. Cùng với Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát, Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào và một số sách khác do sử gia đời Tống biên chép còn có khá nhiều thông tin sử liệu liên quan đến các phò mã họ Thân.
Đọc những trang sử liên quan đến cuộc chiến tranh hai triều Tống - Lý ở thế kỷ XI, nhất là những sự kiện liên quan đến các phò mã họ Thân vùng động Giáp đóng góp với triều Lý nổi bật là sự nghiệp “phá Tống”. Cả ba thế hệ cha con, ông cháu Thân Thừa Quý, Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc đã nhiều lần đưa quân chinh chiến trên đất Tống.
Về Thân Thừa Quý, sách An Nam chí lược của Lê Tắc cho biết: “Năm thứ 3 niên hiệu Thiên Hy-1019 (nhà Tống)…, tháng 5, Chuyển vận sứ Quảng Tây tâu: “Công Uẩn tự khiến con em và rể là bọn Thân Thừa Quý đem quân vào bản đạo, cướp bóc miền biên thùy. Chúng tôi nhiều lần cho theo tìm, đều không chịu thả về những người đã bị cướp đi, e lâu dần sẽ trở nên việc đáng lo cho biên cảnh…”(tr. 239).
Sách Tục tư trị thông giám trường biên chép: “Năm 1028, có việc gì bất bình ở biên giới, Phò mã Thân Thừa Quý đem quân vào đất Tống. Tại chúa châu Thất Nguyên (Thất Khê) Lý Tự bị chết. Thừa Quý bắt dân Tống đem về, Viên coi Ung Châu bàn hòa. Lý Thái Tổ ưng thuận".
Về Thân Thiệu Thái, sách Đại Việt sử ký toàn thư (Quyển III, tờ 3a) ghi rất vắn tắt: “Canh Tý Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 2 (1060). Mùa xuân, Châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái đi bắt những binh lính bỏ trốn vào đất Tống, bắt được Chỉ huy sứ là Dương Bảo Tài và quân lính đem về...”. Trong sách “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý”, cụ Hoàng Xuân Hãn sưu tra từ Tục tư trị thông giám trường biên được nhiều tư liệu và đã ghi chép khá kỹ sự kiện này.
Về Thân Cảnh Phúc (tức Thân Cảnh Nguyên, Thân Cảnh Long), trong khi cha và ông lừng danh với sự nghiệp “phá Tống”, thì Thân Cảnh Phúc lại nổi danh trong sự nghiệp “kháng Tống”. Trước khi quân Tống xuất quân xâm lược Đại Việt, sử Tống chỉ có dòng ngắn ngủi viết về ông vào năm 1076: “Tháng 6 năm Bính Thìn (1076)…vùng Lạng Châu có Phò mã Thân Cảnh Phúc… cầm quân”.
Khi giặc Tống xâm nhập lãnh thổ Đại Việt vào tháng 1-1077, Thân Cảnh Phúc được giao làm “trung quân tiền phong” chặn bước tiến của giặc, sách “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý” cho biết: “Còn Trung quân tiền phong, thì giao cho Phò mã Thân Cảnh Phúc đóng doanh trại ở động Giáp để khống chế 2 ải hiểm: Quyết Lý và Giáp Khẩu. Gần hai bên tả hữu Cảnh Phúc có các thổ binh do các tù trưởng chỉ huy. Bên tả có Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Linh và Hoàng Kim Mãn giữ Môn Châu và đường qua Bình Gia đến Phú Lương, bên hữu có Vi Thủ An giữ châu Tô Mậu và đường từ Tư Lăng đến Lạng Châu”.
Sau khi quân Tống giảng hòa rút quân về nước, Lý Thường Kiệt muốn chiếm lại những vùng đất Đại Việt đã mất vẫn phải dựa vào thế mạnh của Thân Cảnh Phúc ở Lạng Châu. Sử chép: “Sau khi Quách Quỳ rút lui khỏi Lạng Châu, quân Lý liền theo sau và đóng giữ ở động Giáp. Rồi kéo quân vào đánh úp, chiếm lại Quang Lang...”.
Hiện một số nhà nghiên cứu khẳng định Thân Cảnh Phúc chính là Vũ Thành, người được thờ ở đền Hả, xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Chúng tôi từng sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu một số tư liệu văn khắc, thư tịch Hán Nôm cổ trong vùng và xác định: Có thể Vũ Thành là vị thần huyền thoại được dân gian hóa, thiêng hóa từ hình tượng Thân Cảnh Phúc thành vị thần thờ ở đền Hả và được thờ làm Thành hoàng ở nhiều làng, xã dọc đôi bờ sông Lục Nam. Nhưng, hiện chưa có đầy đủ nguồn tư liệu xác tín chứng minh có sức thuyết phục, bảo đảm, tính khoa học cho vấn đề này, cho nên chỉ dừng lại là giả thuyết, chưa thể khẳng định vị thần Vũ Thành và Thân Cảnh Phúc là một. Trong khi vấn đề còn tồn nghi thì cái gì thuộc về lịch sử cần tiếp tục sưu tra, nghiên cứu; còn những đối tượng được dân gian thờ tự là của dân gian thì hãy trả về dân gian là vấn đề nên làm ở thời điểm hiện nay.
Ts Nguyễn Văn Phong
Ý kiến bạn đọc (0)