Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn: Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong chuyển đổi số
Thưa đồng chí, được biết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác vừa có cuộc làm việc chuyên đề về CĐS với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Xuất phát từ thực tiễn hiện nay và qua cuộc làm việc này, xin đồng chí cho biết, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề CĐS như thế nào?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn: Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng đầu tiên mà Bắc Giang mời về làm việc là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung làm việc là về vấn đề CĐS. Điều đó thể hiện lãnh đạo tỉnh quyết tâm rất cao trong CĐS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn |
Vì CĐS là tất yếu khách quan và là lĩnh vực mới mà chúng ta cần nắm bắt, tận dụng tối đa để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra động lực bứt phá vươn lên, phấn đấu trở thành địa phương đứng trong tốp đầu trên nhiều phương diện. Chúng tôi xác định, nếu cứ đi sau về cái mới thì mãi mãi đi sau, chỉ có đi đầu về cái mới thì mới có thể vượt lên.
CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với mỗi cơ quan, tổ chức thì sự thay đổi trước tiên phải là việc của lãnh đạo, người đứng đầu. Vì là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả mọi thành viên trong cơ quan, tổ chức đó. Còn đối với một địa phương thì phải huy động được cả hệ thống chính trị hành động đồng bộ và sự tham gia của toàn dân mới là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS.
CĐS phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Mọi hoạt động của chính quyền phải hướng đến người dân và doanh nghiệp; trước mắt, tập trung nguồn lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa lên môi trường số càng nhiều, càng nhanh càng tốt.
Tỉnh ta đề ra mục tiêu là địa phương đi đầu trong CĐS của cả nước. Như vậy, Bắc Giang gặp những khó khăn, thách thức gì với quyết tâm chính trị này, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn:
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn, lãnh đạo Tập đoàn VNPT Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác về viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, CĐS và xây dựng đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hoàng Phương |
Bắc Giang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 quy mô nền kinh tế đứng trong tốp 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước và cũng phấn đấu đứng trong tốp 15 cả nước về CĐS. Đến năm 2030, CĐS đứng trong tốp 10.
...Vì CĐS là tất yếu khách quan và là lĩnh vực mới mà chúng ta cần nắm bắt, tận dụng tối đa để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra động lực bứt phá vươn lên, phấn đấu trở thành địa phương đứng trong tốp đầu trên nhiều phương diện. Chúng tôi xác định, nếu cứ đi sau về cái mới thì mãi mãi đi sau, chỉ có đi đầu về cái mới thì mới có thể vượt lên”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn. |
Tuy vậy, Bắc Giang có nhiều trở ngại trong triển khai. Đó là, hiện nay, xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh năm 2020 đứng thứ 29/63 tỉnh, TP, ở nhóm trung bình khá so với cả nước; hạ tầng số của tỉnh chưa hoàn thiện; công tác bảo đảm an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức chưa thay đổi lề lối, thói quen làm việc trên môi trường mạng; người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; quy mô kinh tế số còn nhỏ; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng nền tảng số. Đặc biệt, nhiều địa phương bạn cũng rất quyết tâm trong việc đi đầu về CĐS để tăng khả năng cạnh tranh, nhất là trong thu hút đầu tư.
Những yếu tố trên đang là khó khăn, thách thức cơ bản của tỉnh ta trong việc hiện thực hóa mục tiêu là địa phương trong tốp đầu CĐS của cả nước.
Được biết tới đây Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về CĐS, vậy những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên và tại sao lại có sự ưu tiên như vậy, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn: Nghị quyết chuyên đề về CĐS được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận cho ý kiến tại hội nghị tháng 4/2021 và Tỉnh ủy sẽ thông qua vào tháng 5/2021. Dự thảo Nghị quyết tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trên 3 trụ cột của CĐS là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên CĐS trước.
HTX Rau sạch Yên Dũng ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. |
Việc lựa chọn lĩnh vực cần ưu tiên CĐS phải chú trọng tới việc tạo ra các phát triển đột phá, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên CĐS có lợi thế cạnh tranh tại tỉnh, có hiệu quả ngay cho xã hội, mang lại giá trị lớn. Do đó, tỉnh lựa chọn 8 lĩnh vực ưu tiên CĐS, đó là các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và báo chí.
Trong các lĩnh vực lựa chọn ưu tiên trên, có 6/8 lĩnh vực dựa trên định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh lựa chọn thêm lĩnh vực du lịch và báo chí để ưu tiên CĐS.
Về lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ ứng dụng giải pháp công nghệ thực tế ảo để số hóa các danh lam, thắng cảnh, con người Bắc Giang, như: Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, đền Xương Giang, du lịch cộng đồng tại Lục Ngạn, Yên Thế… để phát triển du lịch ảo, phát triển Cổng du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang; chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu điểm đến, các tour, tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh.
Xin đồng chí cho biết, những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung cao để quyết tâm đẩy mạnh CĐS trong thời gian tới?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn:
Dự thảo Nghị quyết về CĐS đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như:
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả CĐS trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, tiên phong, đi đầu trong việc CĐS để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị mình. Đưa nội dung về CĐS vào sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ từ quý III năm 2021 để tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị.
Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình về CĐS. Xây dựng cơ chế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các trường đại học, học viện, các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức chuyên trách công nghệ thông tin hiện có; đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu ít nhất 20 người để thành lập Tổ chuyên gia của tỉnh làm nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS.
Phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số. Xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng (App) trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin.
Bảo đảm nguồn lực cho CĐS. Mỗi năm, ưu tiên bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách thường xuyên của tỉnh để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án, dự án phục vụ xây dựng đô thị thông minh, về CĐS (trong đó bảo đảm 10% chi phí đầu tư cho an toàn, an ninh mạng).
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trịnh Lan (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)