Phát triển du lịch chùa Am Vãi: Cần sự liên kết của 4 "nhà"
Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc học; Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn; Tiến sĩ Tạ Thị Tâm, Viện Dân tộc học, Chủ nhiệm đề tài. Cùng dự có đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà nghiên cứu, khảo cổ tại nhiều cơ quan nghiên cứu văn hóa, tôn giáo.
Chùa Am Vãi. |
Báo cáo đề dẫn, khai mạc do Tiến sĩ Tạ Thị Tâm (Viện Dân tộc học), chủ nhiệm đề tài trình bày tại hội thảo nhấn mạnh, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam có đóng góp quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của nước ta. Không những thế, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã và đang trở thành những giá trị hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Các đồng chí chủ trì hội thảo. |
Thực hiện kế hoạch khoa học năm 2021-2022 của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện đề tài “Phát huy giá trị chùa Am Vãi trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang”. Trong khuôn khổ của đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức hội thảo “Du lịch chùa Am Vãi - Tiềm năng và giải pháp phát triển” nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo.
Tiến sĩ Tạ Thị Tâm phát biểu đề dẫn. |
Đồng thời xác định tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch qua những nghiên cứu về chùa Am Vãi - một trong những ngôi chùa cổ thuộc thời Lý - Trần, nằm trong quần thể di tích trên vòng cung Đông Triều, gồm các chùa: Yên Phụ - Yên Tử - Am Vãi. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn, gợi ý, định hướng việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Bắc Giang.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những vấn đề như: Các giá trị về lịch sử, văn hóa, Phật giáo của chùa Am Vãi gắn với sự ra đời và quá trình hình thành, phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; đánh giá thực trạng và biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của ngôi chùa. Đặc biệt, các ý kiến tập trung phân tích về các tiềm năng, đồng thời gợi ý, đề xuất giải pháp phát triển du lịch văn hóa, tâm linh của chùa Am Vãi trong giai đoạn hiện nay.
Ông Trần Văn Lạng trao đổi tại hội thảo. |
Về giải pháp phát triển du lịch chùa Am Vãi, ông Trần Văn Lạng, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề xuất nhận diện rõ tài nguyên tự nhiên nơi đây, nhất là việc trồng rừng và giữ rừng, có biện pháp bảo vệ để danh thắng này trở thành nơi núi cao, cảnh đẹp thực sự của vùng. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cải tạo giao thông, mở đường lên núi. Ông Lạng nhấn mạnh, muốn phát triển du lịch chùa Am Vãi thì cần phải liên kết tuyến, gắn ngôi chùa cổ với các điểm, khu du lịch văn hóa, tâm linh khu vực Tây Yên Tử.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Hương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), việc phát huy giá trị Phật giáo chùa Am Vãi gắn với phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang đòi hỏi đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho việc cải tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn, khai thác tối đa những yếu tố văn hóa, tâm linh của di tích quan trọng này. Đồng thời, tăng cường hơn nữa hoạt động quảng bá, giới thiệu các giá trị Phật giáo cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân địa phương trong bảo tồn, phát huy các giá trị đó.
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Phúc Thương khẳng định, tỉnh Bắc Giang có nhiều di tích, di sản văn hóa có tiềm năng khai thác giá trị về du lịch. Vì vậy, tỉnh có nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch nhằm huy động các nguồn lực nhằm khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có. Xác định chùa Am Vãi là điểm đến hấp dẫn với nhiều giá trị về Phật giáo trong hệ thống văn hóa tâm linh vùng Tây Yên Tử, thời gian tới, với vai trò của mình, với vai trò của mình, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung tham mưu các giải pháp phát huy các giá trị văn hoá, tâm linh của di tích gắn với phát triển du lịch của tỉnh nhằm thu hút du khách, trong đó có chùa Am Vãi.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức nhấn mạnh, hội thảo đã thu hút được sự tham gia, đóng góp những ý kiến quý báu của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia về bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo trong nước. Từ đó, góp phần làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa và những tiềm năng phát triển du lịch chùa Am Vãi trong hành trình du lịch tâm linh Tây và Đông Yên Tử ở tỉnh Bắc Giang.
Đồng chí cho rằng, việc khai thác, phát huy tiềm năng của di tích gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay cần có sự liên kết bền vững của 4 “nhà”. Đó là: Nhà chùa với quyết tâm, đi đầu về ý tưởng bảo tồn, phát huy các giá trị; nhà quản lý thường xuyên quan tâm, đầu tư nguồn lực; nhà khoa học có những nghiên cứu chuyên sâu để khai thác các giá trị về văn hóa, tâm linh; nhà đầu tư đồng hành hỗ trợ giúp phát huy tiềm năng. Do vậy, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm, bổ sung quy hoạch tổng thể, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn trong bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, nhân văn, thiên nhiên và văn hóa của các di tích gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)