Ông lão trình báo mất 1,3 tỷ đồng sau cuộc gọi mạo danh công an
Cuộc gọi lừa đảo không mới nhưng vẫn có người bị lừa. |
Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng đang xác minh nội dung trình báo của ông lão 73 tuổi, trú quận Kiến An.
Ông kể sáng 3/7 nhận cuộc điện thoại của người tự xưng cán bộ điều tra Công an Hải Phòng, thông báo ông liên quan vụ án ma túy và rửa tiền do Bộ Công an vừa triệt phá.
"Công an" nói có tài liệu cho thấy ông đã vay hơn 6 tỷ đồng của một ngân hàng và có lời khai về việc ông tham gia buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Theo "công an này", đây mới là thông tin điều tra ban đầu, ông có thể bị vu oan nên đề nghị khai hết để chứng minh sự trong sạch.
"Anh ta nói kiểm tra dữ liệu hệ thống camera của ngân hàng không thấy tôi đến vay nhưng danh sách người vay lại có tên. Họ tin tôi vô tội vì thế phải hợp tác", cụ ông 73 tuổi kể lại vào sáng 18/9.
Sau vài câu trao đổi, "viên công an" gọi video qua một ứng dụng mạng xã hội. Màn hình trước mắt ông lão hiện lên 4 người trong trang phục cảnh sát, hàm đại úy. Hai người ngồi trên bàn, hai người ngồi dưới chiếu. "Lúc đó, tôi còn nghĩ, sao công an của Bộ lại làm việc ở chỗ đơn giản thế nhỉ", ông chia sẻ.
Ông kể qua cuộc gọi video, bốn người thay nhau đọc lý lịch, nơi ở, công việc khiến ông bắt đầu tin "đây là công an thật". Khi ông khẳng định không có tội, nhóm này hạ giọng xoa dịu và nói sẽ giúp minh oan.
"Tôi nói nếu tôi phạm tội, sao công an phường không đến nhà? Tuy nhiên, họ bảo đây là chuyên án mật do đơn vị cấp trên làm, công an phường, quận không được biết. Họ yêu cầu tôi tuyệt đối bí mật, nếu làm lộ chuyên án sẽ bị tù ít nhất 16 năm tù hoặc bị bọn buôn ma túy thủ tiêu", thầy lang 73 tuổi nhớ lại.
Ông sau đó bị bắt khai toàn bộ thông tin cá nhân, thu nhập hàng tháng và yêu cầu quy đổi nhiều tài sản thành tiền mặt để chuyển vào các tài khoản được cung cấp để chứng minh đây là nguồn tiền trong sạch. "Ngoài lời hứa sẽ trả lại sau khi điều tra xong, họ còn nói sẽ thưởng tôi một tỷ đồng. Điều này khiến tôi nảy lòng tham và làm theo, dù trong đầu vẫn có chút lăn tăn", nạn nhân kể.
Trong ngày 3 và 4/7, ông khai bán số vàng tích góp suốt 30 năm nghề đông y rồi mang ra bốn ngân hàng chuyển vào số tài khoản được cung cấp. Lần ít nhất là 50 triệu và lần nhiều nhất 600 triệu đồng. "Bên ngân hàng hỏi việc lý do chuyển tiền nhưng tôi bảo 'cho con rể mua xe', như đã được nhóm này được dặn trước", nạn nhân chia sẻ.
Chuyển hơn 1,3 tỷ đồng, ông lại được yêu cầu bán nhà. "Thấy tôi từ chối bán nhà, họ nói đã xác minh tôi bị oan. Tiền của tôi 'sạch' và hứa 8 giờ sáng 5/7 sẽ về Hải Phòng trả tiền, trao thưởng", ông lão kể.
Chờ mãi không thấy công an về trả tiền, ông gọi vào số điện thoại vẫn trao đổi nhưng không liên lạc được.
"Qua truyền hình, báo chí, tôi đã nghe về những vụ lừa đảo thế này nhưng thủ đoạn chúng quá tinh vi, nắm rõ thông tin cá nhân như công an. Qua việc này, tôi hiểu rằng việc liên quan đến pháp luật nên đến trực tiếp cơ quan công an để hỏi chứ không nên tin qua trao đổi điện thoại", nạn nhân chia sẻ.
Nhà chức trách cho hay các cơ quan tư pháp không làm việc qua điện thoại. Kể cả trong trường hợp nhận được giấy triệu tập, lệnh khởi tố, lệnh bắt tạm giam..., người dân không nên hoang mang. Theo quy định, những việc này không trao đổi qua điện thoại mà phải đến trực tiếp trụ sở cơ quan tư pháp và ít nhất đều thông qua chính quyền địa phương. Khi bị hù dọa, yêu cầu chuyển tiền, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp giải quyết. |
Ý kiến bạn đọc (0)