Nút thắt mặt bằng
Đây không phải là vấn đề mới mà là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Thực tế tại nhiều nơi, vấn đề giải phóng mặt bằng còn nảy sinh những phức tạp dẫn tới khiếu kiện đông người, kéo dài.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cơ chế, chính sách, quy định về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế, chưa bảo đảm đúng lợi ích mọi mặt của những người bị thu hồi đất.
Soi chiếu vào các dự án đang chậm tiến độ, vấn đề nổi lên là do người dân chưa đồng thuận với khung giá bồi thường. Giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường, nhất là khi so sánh giữa giá do địa phương, nhà đầu tư này đưa ra và đơn giá do địa phương, nhà đầu tư tự thương lượng tại các dự án lân cận.
Năng lực của nhiều cán bộ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế. Một số người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc cố tình đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi không hợp lý.
Công tác quản lý đất đai ở một số nơi trước đó bị buông lỏng, có nơi sai phạm thuộc lãnh đạo thôn, xã nhưng giải quyết những sai phạm này chưa thấu tình, đạt lý, người dân trong diện được bồi thường giải phóng mặt bằng phải chịu thiệt thòi.
Việc chuẩn bị phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong một số trường hợp thiếu công khai, dân chủ, minh bạch; chưa được chính quyền quan tâm đúng mức, nhất là về giá cả đền bù, phương án giải quyết việc làm mới, chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi.
Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật, mặt khác lại quá thiên về biện pháp hành chính, áp đặt, hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm.
Luật Đất đai cho phép áp dụng hai cơ chế thu hồi đất: Nhà nước thu hồi đất hoặc tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Cơ chế là vậy nhưng thực tế khâu giải phóng mặt bằng đang khiến doanh nghiệp gặp khó.
Hệ lụy từ nút thắt giải phóng mặt bằng làm mất cơ hội cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, vì có dự án việc giải phóng mặt bằng kéo dài 2 đến 3 năm, thậm chí dài hơn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Để gỡ nút thắt về giải phóng mặt bằng, khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng mấu chốt của vấn đề là cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân trong diện bị thu hồi đất, lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thông tin công khai, minh bạch về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Có phương án giải quyết chỗ ở, việc làm mới bảo đảm người trong diện bị thu hồi đất có cuộc sống mới tốt hơn. Cần kiên quyết, dứt điểm xử lý với những trường hợp cố tình đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi không hợp lý.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)