Nơi khắc ghi hình ảnh sĩ phu yêu nước Nguyễn Cao
Màn rước tại Lễ hội thành Tỉnh Đạo (15 tháng Giêng hằng năm). |
Nguyễn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Thế Cao, hiệu là Trác Phong, sinh năm 1837 trong một gia đình và dòng họ có truyền thống hiếu học ở làng Cách Bi, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Năm 1867, Nguyễn Cao thi đậu Giải nguyên khoa thi Hương tại trường thi Hà Nội. Thi đậu, ông không ra làm quan mà xin về quê mở trường dạy học. Giặc Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất, tháng 11-1873, từ Hà Nội chúng tràn sang chiếm các vùng lân cận. Nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp đã nổ ra ở khắp nơi, trong đó tiêu biểu là phong trào kháng Pháp ở Bắc Ninh do Nguyễn Cao lãnh đạo.
Khi triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước với Pháp, Nguyễn Cao cáo bệnh về quê. Lúc này, bọn phỉ Tàu tràn sang các tỉnh phía Bắc và các huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Nguyễn Cao đã đứng ra nhận trọng trách dẹp trừ. Năm 1874, sau khi đánh dẹp giặc phỉ ở Dược Sơn, ông được triều đình bổ nhiệm chức tri huyện Yên Dũng, rồi tri phủ Lạng Giang. Năm 1880 ông là Thương biện rồi Án Sát tỉnh Nam Định.
Năm 1881 giữ chức Doanh điền xứ, phụ trách việc khai khẩn hoang lập đồn điền ở vùng biên giới. Nhờ có công trong việc khẩn hoang, ông được Triều đình thăng làm Bố chánh xứ tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng. Gần một năm sau, khi Thái Nguyên và Cao Bằng đặt chức tuần phủ, ông xin về kinh lý phủ Phú Bình (Thái Nguyên) và Nhã Nam (Yên Thế - Tân Yên) thiết lập tỉnh mới.
Do có nhiều công lao với dân với nước, đặc biệt có công khai phá vùng đất mới lập làng, sau khi ông mất, nhân dân Tỉnh Đạo tôn ông làm Thành Hoàng làng. |
Năm 1882, thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Triều đình nhà Nguyễn cử Nguyễn Cao cùng với Hoàng Văn Hòe- một sĩ phu yêu nước khác lên xây dựng và củng cố thành Tỉnh Đạo. Đến nay, thành Tỉnh Đạo không còn nguyên trạng nhưng dấu tích thành còn khá rõ ở góc thành phía Nam và góc thành phía Bắc.
Sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, mùa xuân năm 1884, thực dân Pháp tiến đánh các tỉnh ngoại vi Hà Nội. Nguyễn Cao lúc này là Tán lý quân vụ Bắc Kỳ đã dẫn quân về trợ chiến và gây cho giặc nhiều tổn thất. Ngày 12-3-1884, thành Bắc Ninh thất thủ, ông lui quân về Tỉnh Đạo tiếp tục chiến đấu. Ngày 15-3-1884, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào thành Tỉnh Đạo. Tán lý quân vụ Nguyễn Cao và đội quân nghĩa dũng của ông là những người đầu tiên trên miền đất Yên Thế hạ nghênh súng đánh lại giặc Pháp. Trận chiến không cân sức đã diễn ra, do lực lượng yếu, đêm 15 rạng sáng 16-3, tòa thành thất thủ.
Sau khi rút khỏi thành Tỉnh Đạo, Nguyễn Cao về chùa Kem, xã Nham Sơn (Yên Dũng) xây dựng cơ sở tiếp tục chiến đấu. Bị đàn áp mạnh, từ tháng 12-1886, ông giải tán nghĩa binh, giả làm sư kiêm thầy dạy học và chuyển về Kim Giang thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Tháng 3-1887, ông bị thực dân Pháp bắt, chúng dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc nhưng đều bị cự tuyệt. Tháng 4-1887, chúng buộc phải mang ông ra xử chém.
Tấm gương hy sinh và công lao cống hiến của Nguyễn Cao cho vùng đất Tỉnh Đạo được người dân địa phương ghi nhớ đời đời. Đình, chùa Tỉnh Đạo được người dân xây dựng ngay bên cạnh thành Tỉnh Đạo để thờ Phật và thờ Nguyễn Cao. Do có nhiều công lao với dân với nước, đặc biệt có công khai phá vùng đất mới lập làng, sau khi ông mất, nhân dân Tỉnh Đạo tôn ông làm Thành Hoàng làng. Năm 2004, khu di tích thành Tỉnh Đạo được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)