Những kiến trúc tuyệt mỹ trước kinh thành Huế
Nghênh Lương Đình. |
Phu Văn Lâu
Phu Văn Lâu là một công trình kiến trúc có vị trí, vai trò quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích cố đô Huế. Phu Văn Lâu nằm trước Kỳ Đài, bên ngoài kinh thành, trên trục thần đạo của kinh thành và Hoàng thành. Mặt chính công trình nhìn ra sông Hương, nơi xưa kia cạnh đường “quan lộ” (nay là quốc lộ 1A). Đây được coi như điểm chuẩn để tính đường lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam từ kinh đô Huế.
Tại địa điểm này, triều đình đã cho dựng một bảng đình (đình treo bảng); đến năm 1819 được thay thế bởi một công trình kiến trúc bằng gỗ 2 tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu, nghĩa là lầu niêm yết các văn bản của triều đình, đặc biệt là nơi yết bảng tiến sĩ đậu khoa thi Hội. Đây cũng là nơi triều đình tổ chức các lễ khánh hỷ mang tính quốc gia có sự hiện diện của nhà vua, triều thần và dân chúng ở kinh đô cũng như các tỉnh lân cận.
Phía trước Phu Văn Lâu có 2 khẩu súng thần công. Đặc biệt, nhà Nguyễn từng cho đặt 2 tấm bia bằng đá Thanh hai bên, khắc bốn chữ: “Khuynh cái hạ mã” (Nghiêng nón xuống ngựa) nhằm nhắc nhở thái độ, cử chỉ những người đi qua chốn lễ nghi quan trọng này. Hai tấm bia này đã bị mất sau năm 1975 nhưng đã được phục dựng trong lần trùng tu năm 2016.
Là một kiến trúc ra đời sớm lại nằm ở vị trí đắc địa, Phu Văn Lâu là “gương mặt” của kinh thành Huế. Tuy có quy mô nhỏ nhưng Phu Văn Lâu có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao và là một điểm nhấn của không gian phía trước Kinh thành.
Nghênh Lương Đình
Nghênh Lương Đình nằm ở vị trí đầu tiên trên trục thần đạo, phía trước kinh thành và Phu Văn Lâu, được xây dựng vào năm 1918 dưới thời vua Khải Định. Dưới thời vua Tự Đức, nơi đây còn có công trình Lương Tạ - nơi để vua hóng mát, nhưng đã bị hủy hoại bởi cơn bão năm 1904. Nghênh Lương Đình là công trình nhỏ nhưng có giá trị cao về nghệ thuật với kiến trúc mở, bốn bề thoáng đãng, mặt chính nhìn ra dòng sông Hương, mặt sau nhìn về phía trước kinh thành, đúng như cái tên của nó, có nghĩa là “đón luồng gió mát”. Đây cũng là bến thuyền dành cho vua ngự dạo sông Hương.
Nghênh Lương Đình được xây trên một nền đất hình vuông, gồm nhà chính ở giữa và hai nhà với mái hiên kiểu vỏ cua ở trước và sau. Nhà chính được thiết kế kiểu phương đình theo dạng cổ lầu với hai tầng mái lợp ngói hoàng lưu ly. Hệ thống vì kèo được chạm công phu, tinh xảo với các đề tài như bát bửu, tù và, quạt vả, lẵng hoa, bầu rượu... Đặc biệt, các xà dọc hai bên nhà vỏ cua được chạm hình rồng chầu cách điệu. Hình ảnh Nghênh Lương Đình và Phu Văn Lâu được in trên mặt sau tờ giấy bạc mệnh giá 50.000 đồng hiện đang lưu hành, phát hành năm 2003.
Thương Bạc Đình
Thương Bạc Đình cũng nằm ở phía trước kinh thành. So với hai công trình trên, Thương Bạc Đình ra đời khá muộn - năm 1936. Thương Bạc Đình nằm trước cửa Thượng Tứ ở mé trái kinh thành, trong hoa viên bên bờ bắc sông Hương. Mặt chính công trình quay về hướng kinh thành.
Thương Bạc Đình được xây dựng để kỷ niệm một cơ quan ngoại giao của triều Nguyễn. Nơi đây từng là Thương Bạc Viện được xây dựng từ thời vua Tự Đức - là nơi tàu thuyền ngoại quốc cập bến, buôn bán. Sau sự kiện thất thủ kinh thành năm 1885, cơ quan này không còn tồn tại. Tới năm 1936, nhận thấy các tòa nhà Thương Bạc Viện cũ đã xuống cấp, triều đình cho xây dựng Thương Bạc Đình ở vị trí hiện nay để nhắc nhớ về Thương Bạc Viện.
Khác với Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đình là những kiến trúc gỗ truyền thống, Thương Bạc Đình chủ yếu được xây dựng bằng bê tông cốt thép - loại vật liệu mới du nhập từ phương Tây thời bấy giờ. Tòa nhà được thiết kế theo dạng cổ lầu, gồm hai tầng mái. Tầng dưới có mặt bằng hình bát giác, xây trên một nền vuông. Hệ khung kết cấu làm bằng bê tông cốt thép, còn hệ thống đòn tay, rui mái và diềm mái vẫn làm bằng gỗ. Mái lợp ngói ống và ngói câu đầu trích thủy tráng men như nhiều cung điện khác ở Huế... Toàn bộ công trình toát lên nét khỏe khoắn và sự kết hợp giữa cổ điển với hiện đại.
Ba công trình trên tuy được xây dựng ở những thời kỳ khác nhau, với kiến trúc và chức năng khác nhau, song đều là những công trình có giá trị thẩm mỹ cao. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An đánh giá: “Đây thực sự là những viên ngọc quý sáng lấp lánh bên bờ sông Hương thơ mộng”. Hiện nay, cả ba không gian công trình này là nơi tổ chức lễ hội và sự kiện văn hóa; riêng ở Phu Văn Lâu và Thương Bạc Đình vào dịp cuối tuần đều diễn ra những chương trình hòa nhạc đường phố thu hút người dân và khách du lịch.
Ý kiến bạn đọc (0)