Những điểm mới chủ yếu của Luật Tố cáo
Luật Tố cáo được Quốc hội thông qua năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1- 1- 2019 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tố cáo với nhiều điểm mới so với Luật Tố cáo năm 2011( Luật hiện hành).
Phóng viên Báo Bắc Giang điều tra, xác minh đơn thư tố cáo của công dân. |
Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định về thụ lý tố cáo. Luật không quy định về thời hạn thụ lý tố cáo như Luật hiện hành. Theo Điều 28, trình tự giải quyết tố cáo bao gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết. Trong đó, quy định “tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo” theo luật hiện hành đã được sửa đổi thành “tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo”. Điều 29 quy định về thụ lý tố cáo.
Cụ thể, người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau: Tố cáo được thực hiện theo quy định; người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo; nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại thì chỉ thụ lý khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, bằng chứng để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 30 quy định, thời hạn giải quyết tố cáo giảm từ 60 ngày như hiện hành xuống còn không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo 1 lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Về kết luận nội dung tố cáo, Luật Tố cáo 2018 đã bổ sung quy định, trong bản kết luận phải có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (điểm đ khoản 2 Điều 35). Kết luận nội dung tố cáo được gửi đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo trong thời hạn quy định.
Luật bổ sung quy định về quyền rút tố cáo tại Điều 33. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần trước khi người giải quyết ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Xử lý việc rút đơn tố cáo như sau: Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của luật này. Trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung thì người giải quyết ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người trong nhóm rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật này (trừ một số trường hợp theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 33).
Theo quy định, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Ngoài hình thức công khai như quy định của Luật hiện hành, Luật năm 2018 bổ sung thêm hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo tại điểm c khoản 2 Điều 40. Điều cần lưu ý là, việc công khai này phải bảo đảm không làm tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.
Về giải quyết tố cáo nặc danh, Điều 25 quy định, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo, sử dụng họ tên người khác hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Luật này thì không xử lý theo quy định của Luật này; trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Ngoài ra, còn một số nội dung bổ sung khác như tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo, quy định về thời hạn được điều chỉnh theo hướng rút ngắn hơn…
Luật sư Hoàng Văn Lợi
Ý kiến bạn đọc (0)