Nhật thực lai hiếm gặp vào ngày 20/4
Nhật thực là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú được quan tâm. Ảnh: NASA |
Nhật thực vào ngày 20/4 là nhật thực lai (hybrid solar eclipse) - hiện tượng cực kỳ hiếm với chỉ 3,1% số lần nhật thực trong thế kỷ 21, thông tin từ Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Liên ngành (IFIRSE).
Nhật thực lần này sẽ bắt đầu ở phía Nam biển Ấn Độ Dương, quét qua châu Úc, Đông Nam Á và kết thúc ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên vùng nhìn thấy được pha nhật thực hình khuyên và toàn phần rất hẹp, đa phần là biển cả.
TS Phan Thanh Hiền, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), cho hay nhật thực lai tức là có hai hiện tượng diễn ra trong cùng chu trình, gồm nhật thực toàn phần (hay một phần) và nhật thực hình khuyên. Ở vùng trung tâm của nhật thực, người yêu thiên văn có thể quan sát được với thời gian kéo dài hơn 3 tiếng. Việt Nam không nằm trong đường nhật thực đi qua do đó chỉ xem được nhật thực một phần với tỷ lệ nhỏ.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), tại Việt Nam, mặt trời chỉ bị che khuất tối đa 8% do đó chỉ thấy hiện tượng nhật thực một phần. Khu vực thuận lợi nhất ở dải Nha Trang và Nam Trung Bộ. Tại TP Hồ Chí Minh (HCM) độ che phủ chỉ 5%. Sau lần nhật thực này, phải chờ đến ngày 2/8/2027, nhật thực mới diễn ra ở Việt Nam.
Khi nhật thực lai xảy ra, một số vùng trên Trái Đất sẽ quan sát được pha toàn phần, một số vùng khác sẽ quan sát được pha hình khuyên (một số nơi khác nữa chỉ thấy được pha một phần).
Pha toàn phần của nhật thực lần này sẽ được nhìn thấy ở bán đảo North West Cape Cape và Đảo Barrow ở Tây Australia, khu vực phía đông của Đông Timor, Đảo Damar và một phần của tỉnh Papua ở Indonesia. Địa điểm quan sát thuận lợi nhất là ở thị trấn Com (Lautém) ở bờ biển phía đông của Đông Timor. TS Hiền sẽ cùng nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn Simons tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành, SAGI, cùng Đài Thiên văn Quy Nhơn tham gia quan sát nhật thực tại Đông Timor.
Để quan sát nhật thực an toàn, TS Hiền khuyến cáo tuyệt đối không được nhìn vào mặt trời bằng mắt thường hay sử dụng kính râm vì không chặn được bức xạ có hại từ mặt trời. Người quan sát cần có kính bảo vệ chuyên dụng như kính lọc, kính nhật thực hoặc có lớp lọ chuyên dụng dành cho kính thiên văn nếu quan sát bằng kính thiên văn.
Ngoài ra, cũng có thể quan sát gián tiếp bằng cách sử dụng màn hứng bằng cách làm hộp quan sát có khoét một lỗ tròn nhỏ. Hướng cho lỗ thủng trên chiếc hộp về phía Mặt trời sao cho ánh sáng Mặt trời đi xuyên qua lỗ, khi đó nhìn vào trong hộp sẽ thấy hình ảnh mặt trời in lên đáy kia chiếc hộp. Khi có nhật thực diễn ra, người quan sát sẽ thấy hình ảnh trên màn hứng. Có thể sử dụng phương pháp lọc ánh sáng nhưng cần quan sát gián tiếp qua camera. "Ngay cả kính lọc cũng được khuyến cáo không nhìn quá 3 phút", TS Hiền nói.Nhật thực lai là sự kết hợp của hai loại gồm nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Cụ thể, nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, cản một phần ánh sáng đi từ Mặt Trời tới Trái Đất. Khi đó bóng của Mặt Trăng sẽ đổ xuống Trái Đất. Tại những vùng bóng Mặt Trăng quét qua, mọi người sẽ quan sát thấy Mặt Trời bị Mặt Trăng che mất một phần (nhật thực một phần), hoặc che mất hoàn toàn (nhật thực toàn phần).
Khi khoảng cách từ Mặt Trăng tới Trái Đất xa hơn dẫn tới kích cỡ biểu kiến của Mặt Trăng nhỏ hơn kích cỡ biểu kiến của Mặt Trời, lúc này Mặt Trăng không thể che lấp hoàn toàn Mặt Trời mà sẽ tạo ra vùng antumbra (đối bóng tối), những người trong vùng này sẽ thấy Mặt Trời bị che khuất phần giữa, vẫn còn để lộ ra một vòng sáng bên ngoài, đó là Nhật thực hình khuyên.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)