Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường THPT Tân Yên số 2: Nửa thế kỷ nhìn lại và đi tới
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) có ghi: “Ra sức phát triển mạnh mẽ giáo dục phổ thông nhằm đào tạo những thế hệ thanh niên có đạo đức, có văn hóa, có sức khỏe, sẵn sàng phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “Tích cực mở thêm trường cấp III để thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh cho các trường đại học và một phần cho các nhu cầu khác”.
Một tiết học tại Trường THPT Tân Yên số 2. |
Thời điểm cả nước đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất thì đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Miền Bắc từ hòa bình chuyển sang có chiến tranh. Chúng ta vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ miền Bắc và chi viện cho miền Nam song sự nghiệp giáo dục vẫn đi lên mạnh mẽ. Các em thơ vẫn “mang mũ rơm đi học đường dài”.
Năm 1972, Trường Cấp III Tân Yên số 2 (nay là Trường THPT Tân Yên số 2) được mở ra bên bờ sông đào thơ mộng, là một phân hiệu của Trường Cấp III Tân Yên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh 11 xã miền Tây huyện Tân Yên. Dưới tiếng bom xé trời của B52 nhưng nhà trường với những lớp học tranh tre, vách đất, hầm hào ngang dọc vẫn hoạt động bình thường; đều đặn thầy giảng, trò học. Chính từ những ngày tháng gian khổ ấy, mái trường này ngày càng phát triển toàn diện và vững chắc.
Từ một phân hiệu của Trường Cấp III Tân Yên (năm 1972), một năm sau, nhà trường chính thức trở thành một trường cấp III độc lập. Do hoàn cảnh cả nước còn khó khăn, số lượng học sinh giảm dần nên năm học 1991-1992, trường lại sáp nhập với Trường THPT Tân Yên, trở thành khu B. Hai khu cách nhau 8 km nên việc đi lại giảng dạy, sinh hoạt của các thầy cô, học sinh vất vả và bất cập. Năm học 1992-1993, Trường sáp nhập với Trường THCS Lam Cốt thành Trường Cấp II-III Tân Yên.
Sau 6 năm, học sinh cả hai cấp học đều tăng, như một chiếc áo chật, năm học 1998-1999, trường lại được tách thành hai đơn vị là Trường THPT Tân Yên số 2 và Trường THCS Lam Cốt. Từ đó đến nay, nhà trường mang tên Trường THPT Tân Yên số 2. Sau 50 năm, ngôi trường có nhiều đổi thay. Phòng học rộng rãi, có tiện nghi hiện đại phục vụ dạy và học. Các phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện đầy đủ cho thầy cô nghiên cứu, học sinh học tập. Tại đây có nhà đa năng đáp ứng mọi công việc của nhà trường, sân bóng đủ tiêu chuẩn phục vụ hoạt động thể chất.
Với thành tích xuất sắc, nhà trường đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong chặng đường sắp tới, Trường THPT Tân Yên số 2 tiếp tục phát huy ưu điểm, vượt qua khó khăn, thách thức để đào tạo nên những thế hệ có sức khỏe, có trí tuệ, đạo đức trong sáng, góp phần phát triển KT-XH., xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Thời điểm mới thành lập, thầy thiếu, trò ít, cơ sở vật chất của nhà trường nghèo nàn. Con đường đến trường mùa khô thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Dù khó khăn, vất vả nhưng cả thầy và trò đều hướng về phía trước, tin tưởng ở ngày mai tươi sáng.
Nơi đây có những thầy giáo từng mang trên mình màu xanh áo lính, sau chiến tranh đã hội tụ về cùng công tác, giảng dạy cho bao thế hệ học trò. Từ mái trường này, nhiều học trò đã trưởng thành, giữ cương vị lãnh đạo, quản lý ở T.Ư và địa phương, trở thành nhà khoa học, nhà giáo tiêu biểu, tướng lĩnh, sĩ quan trong lực lượng vũ trang...
Tại Trường THPT Tân Yên số 2, số lượng giáo viên giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi cấp tỉnh đều tăng hằng năm. Chất lượng giáo dục đại trà và xếp loại hạnh kiểm của học sinh luôn đứng ở vị trí cao trong tỉnh. Với thành tích xuất sắc, nhà trường đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Bác Hồ từng dạy “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Giải quyết nạn dốt là nhiệm vụ của giáo dục. Giáo dục là thổi bùng lên ngọn lửa tính thiện, yêu thương, tha thứ, bình đẳng trong mỗi con người. Giáo dục không những đào tạo ra những chuyên gia giỏi mà còn gieo vào học trò những ước mơ. Nhìn trời cao xanh thẳm và đếm những vì sao ban đêm dám mơ ước bay lên. Ước mơ đóng những con tàu khổng lồ đi đến những bến bờ xa.
Giáo dục làm cho học sinh biết yêu thương cha mẹ, người thân cùng đồng loại, biết yêu thương từng cành cây, ngọn cỏ, biết trân quý từng sợi rơm vàng và nắm đất phù sa trên dải đất này. Giáo dục làm cho các em biết khi nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng là thấy thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của cha ông. Giáo dục làm cho các em biết giá trị của hòa bình, độc lập và tự do trên dải đất hình chữ S kiên cường, anh dũng.
Từ đỉnh non cao đến các đảo khơi xa có biết bao nhiêu ngôi mộ gió, hàng triệu người đã hòa vào đất, vào sông, vào rừng, vào biển và hiểu rằng đất nước này mấy bận chia đôi. Vui tận cùng niềm vui, đau tận cùng nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền. Giáo dục dạy cho con người sống có kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, cân bằng cuộc sống và không lệch chuẩn.
Giáo dục còn dạy cho con người biết tha thứ, rộng lượng làm đầu, dù gian lao nhưng trí không sờn và dám xả thân khi Tổ quốc cần. Giáo dục làm cho trí tuệ người Việt không thua bất cứ dân tộc nào trên trái đất này. Người Việt chắc chắn sẽ làm ra những con chíp nhỏ bé nhưng chứa tỷ tỷ dữ liệu trong thời đại 4.0. Giáo dục là vĩnh cửu, trường tồn cùng dân tộc.
Năm học 2023-2024, Trường THPT Tân Yên số 2 với 95 cán bộ, giáo viên, 1.648 học sinh đang nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng 50 năm ngày thành lập. Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về vai trò của giáo dục, sứ mệnh của người thầy, trong chặng đường sắp tới, Trường THPT Tân Yên số 2 tiếp tục phát huy ưu điểm, vượt qua khó khăn, thách thức để đào tạo ra những công dân có sức khỏe, có trí tuệ, đạo đức trong sáng, góp phần vào phát triển KT-XH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà trường xứng đáng là nơi ươm mầm những tài năng, là địa chỉ tin cậy của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, phụ huynh và học sinh. Thầy và trò nhà trường không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống “Trai Cầu Vồng Yên Thế”, quê hương hiếu học, anh hùng, khoa bảng và cách mạng.
Đào Duy Hồng
Ý kiến bạn đọc (0)