Nhạc sĩ Phú Quang được đề cử vào danh sách xét giải thưởng Nhà nước
Ông là một trong 37 tác giả được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua hồ sơ, đăng tải trên trang web Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến trước khi hoàn thiện danh sách vào ngày 1/7. Nhạc sĩ Phú Quang được đề nghị vinh danh với năm tác phẩm: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị, khí nhạc: Solo Fute et orchestre (Tình yêu của biển).
Nhạc sĩ Phú Quang được đề cử vào danh sách xét giải thưởng Nhà nước. |
Năm 2011, nhạc sĩ từng bị đánh trượt do không đạt 100% số phiếu bầu từ hội đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhạc sĩ Phú Quang nhập viện hơn một năm nay do biến chứng tiểu đường. Hiện ông bớt nguy kịch, tỉnh táo nhưng sức khỏe vẫn yếu, thở khó, được vợ túc trực chăm sóc. Bạn bè, người thân dự định tổ chức đêm nhạc tri ân ông hồi tháng 5 nhưng phải hoãn vì dịch. Trước khi đổ bệnh, ở tuổi gần 70, ông vẫn miệt mài làm việc. Ông đôi lúc đãng trí những việc thường nhật nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông vốn không thích ai hát sai lời, nhạc của mình.
Nhạc sĩ Phú Quang quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường, lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Cùng Phú Quang, nhiều tên tuổi khác được đề cử trong danh sách xét tặng giải Nhà nước gồm: Đoàn Bổng (Hà Nội những kỷ niệm trong tôi, Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, Hát về Người), Bùi Đình Thảo (Đi học, Bàn tay mẹ, Em đi giữa biển vàng, Sách bút thân yêu ơi, Tiếng hát gọi mây), Nguyễn Thụy Kha (Sách Thế kỷ âm nhạc Việt Nam - một thời đạn bom, Thế kỷ âm nhạc Việt Nam một thời hòa bình)...
Ngoài giải thưởng Nhà nước, danh sách xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh gồm năm nhạc sĩ: Hồng Đăng (Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo), Trần Quý (concerto Biển quê hương, sách Những vấn đề phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại), Văn Ký (Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, Hà Nội mùa xuân, giao hưởng thơ Ru con), Phạm Minh Tuấn (Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn, Mùa xuân, khí nhạc: concerto Bất khuất, khí nhạc: ballade Đất trắng), Đinh Quang Hợp (giao hưởng thơ Chiếu dời Đô, thanh xướng kịch Ngàn năm nhớ về thủa ấy).
Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải danh giá nhất do Nhà nước trao tặng trong lĩnh vực kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước là giải cấp quốc gia quan trọng thứ hai, sau Giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc xét và trao giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 5 năm. Giải thưởng được các Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trước khi chuyển cấp Nhà nước để xét duyệt.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)